“Bánh gì mình dẹt, nhân tròn?
Tên là bánh Ít, thảo thơm thì nhiều
Nghĩa tình nặng biết bao nhiêu
Phải lòng Nàng Út mà yêu thương hoài!”
Đó là câu thơ nói về chiếc bánh Ít Trần do nàng công chúa Út của Vua Hùng thứ 6 sáng tạo ra. Sự tích kể rằng, sau khi chàng Lang Liêu sáng tạo ra chiêc bánh Chưng và bánh Dày của dân tộc Việt, thì nàng công chúa Út của Vua Hùng thứ 6 nổi tiếng khéo tay vào bếp đã nảy ra ý định tạo ra loại bánh mới mà có mùi vị của 2 loại bánh trên. Nàng đã lấy chiếc bánh dày bọc nhân của bánh chưng để tạo ra hai loại bánh mới. Một loại dáng tròn không lá, một loại gói kín thành dáng vuông.Cả hai loại này đều làm nhỏ lại tỏ sự khiêm nhường, út ít.Từ đó bánh của nàng công chúa út được dân gian truyền tụng và để phân biệt với bánh của Lang Liêu người ta gọi đó là Bánh nàng út ít.
Theo dòng chảy của thời gian, “bánh nàng út ít” được cải tiến nhiều vẻ hơn, và tên “bánh nàng út ít” đã được rút ngắn thành “bánh ít” như hôm nay. Bánh ít đã đi vào ca dao điệu nhạc, thành điệu hát lý trong bài “Lý bánh ít”:
“Ai mua bánh ít – Bán cho.
Nhân tôm, nhân thịt, nhân dừa thơm ngon…”
Với sự sáng tạo và đặc trưng của từng vùng miền, cùng với bàn tay khéo léo của người làm bánh mà bánh ít mang theo hương vị và màu sắc khác nhau như bánh ít trần của xứ Huế, Bánh ít Đà Nẵng, Bánh ít miền Tây,…. Tuy nhiên, với miền đất võ Bình Định thì món bánh Ít lại có màu đen đặc trưng của lá gai thơm ngon và độc đáo.
Từ lúc nào không biết, bánh ít lá gai không chỉ được xem là món đặc sản mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Nẫu. Giữa một rừng quà bánh truyền thống như bánh nậm, bánh bột lọc…, bánh ít lá gai hiện lên như một nốt nhạc trầm trầm mang đầy màu sắc dân gian và mộc mạc. Lâu lâu, người Bình Định vẫn cứ ngâm nga:
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi…”
Làm nên chiếc bánh phải kỳ công, vất vả cùng với sự khéo léo, thành thục. Nguyên liệu phải đủ năm thứ: lá gai, gạo nếp, đường, đậu xanh và lá chuối. Thoạt tiên, tìm lá gai. Lá gai hình tim, hơi sần, xốp, khô khô, theo y học dân tộc, lá gai còn có tên gọi là cây tầm ma, trữ ma hay gai tuyết, dân gian dùng ngọn lá gai với một ít muối để chữa sinh hàn (thương thực). Lá được dùng để làm bánh phải chọn loại lá gai non, tước bỏ cọng, sống lá, chỉ lấy phần lá mềm. Làm một trăm bánh phải hái đến hai ba rổ lá. Rửa sạch, luộc khoảng 3-4 tiếng, để thật ráo nước.
Những nghệ nhân làm bánh cho biết khâu giã lá gai rất quan trọng, nên giã bằng tay thật lâu thay vì bằng máy, giã như vậy bột bánh mới mịn và dai quết dẻo ngon. Vì nếu lá gai không nhuyễn bánh ăn lợn cợn, tạo cảm giác không ngon. Ngoài ra, theo khoa học, trong lá gai có chứa nhiều vi chất, đặc biệt là chlorogenic (có khả năng chóng vi khuẩn và chống nấm), có khả năng giúp bánh giữ được lâu mà không bị mốc.
Kế đến là gạo Nếp – nguyên liệu chính để làm ra bột bánh, là loại nếp ngon, hạt nhỏ, dẻo, thơm, mới, không lẫn gạo tẻ. Nếp được đem ngâm 4 giờ, xay nhuyễn, đăng khô, sau đó quết với lá gai đã luộc chín và một ít đường cát trắng đã được nấu sánh. Bột nếp trộn với lá gai và đường, giã nhiều lần trong cối cho thật dẻo. Khi giã, cho một chút dầu ăn cho khỏi dính cối đồng thời giúp bánh mịn màng. Những người làm bánh có kinh nghiệm sẽ đo lường tỉ lệ dầu ăn cho vào bao nhiêu giúp cho bánh béo mà không tạo vị ngán. Mọi thứ khi đã hoàn thành thì bạn chia bột thành từng miếng bột nhỏ.
Kế đến, người ta chuẩn bị nhân bánh. Với nhân bánh là đậu xanh thì thường đậu được đem ngâm, đãi vỏ, phơi khô và hấp. Sau khi chín, đậu được đem trộn với đường và giả mịn. Nếu dùng Dừa để làm nhân bánh, cũng chọn trái dừa già tới, không già đen (nếu già quá, nhân cứng, xảm, khô, không ngon mà hôi dầu…) sau đó bào sợi và xào với đường. Nếu làm bánh nhân mặn thì đem Thịt hay tôm xắt nhỏ xào chung với hành phi nêm gia vị mặn cho vừa. Nhân thành phẩm phải khô và được vo tròn thành những viên tròn to bằng quả chanh.
Khi tất cả đã chuẩn bị xong bắt đầu gói bánh. Tẽ phần bột đã chuẩn bị thành bánh mỏng hình tròn trên lòng bàn tay, rồi lấy viên nhân bánh đã vo tròn bỏ vào giữa, túm bốn bên lại cho khít mối, sau đó vo tròn trong lòng bàn tay. Lúc này, bột nếp đã bọc toàn bộ nhân bánh thành một khối tròn, sau đó dùng lá chuối bọc bánh lại theo hình tháp. Để gói bánh được đẹp và nhanh, đòi hỏi người gói phải khéo tay và có kỹ thuật. Nhìn cách gói bánh rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng gói được. Cuối cùng là khâu hấp bánh. Bánh được đặt vào rổ đặt vào nồi để hấp, thời gian hấp là 1 tiếng đồng hồ hoặc khi bắt bánh lên bếp thì thắp một cây hương, khi nào hương tàn thì bánh chín.
Ngày nay, bánh ít không chỉ được dùng trong những dịp cúng bái, lễ tết mà còn được dùng như một thứ quà bánh mộc mạc, dân dã trong đời sống thường nhật và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
(Nguồn: Tổng hợp)