Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ ẩm thực cùng sự du nhập ồ ạt của nhiều loại bánh phương Tây, bánh đúc – món ăn dân dã, mộc mạc mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước và phong vị đồng quê của Việt Nam vẫn giữ được một chỗ đứng nhứt định từ quán làng, chợ quê ra đến thành thị. Để rồi, dù có đi đâu thì mỗi người trong chúng ta vẫn cứ nhớ, cứ thương món bánh dân gian giản dị, đơn sơ mà thấm đẫm tình quê hương này.
Bánh đúc, có lẽ còn là một hoài niệm dấu yêu về tuổi thơ, về quê nhà – nơi có khóm tre xanh, dòng sông nhỏ và con đường hai bên màu lúa trĩu vàng. Đi giữa lòng thành phố, bất chợt nghe tiếng rao bánh đúc chắc hẳn nhiều người con xa xứ không khỏi nao lòng.

Nhắc đến bánh đúc là nhắc đến một món ăn dân dã lại vô cùng thơm ngon, ấp ủ bên trong là nét hương đồng gió nội nhẹ nhàng đi vào văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Bánh đúc cũng hiện lên hết sức bình dị trong thơ ca với những ngôn từ mộc mạc mà đi sân vào lòng người:
“Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận em em bán, thuận chàng chàng mua.”
Có thể nói bánh đúc được xem là một món ăn đặc trưng thời khốn khó của miền Bắc và được làm nhiều ở các vùng quê như làng Điền, chợ Chay, Lai Đống (nay thuộc Hà Nội), làng Đồng Quang (Yên Dũng, Bắc Giang). Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung với một số biến tấu khác với nơi bánh ra đời như bánh đúc tàu (Hải Phòng) hay vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành món đặc sản của vùng đồng bằng Nam Bộ, mang đậm hương vị thôn quê với điển hình là món bánh đúc nước cốt dừa.

Chế biến món bánh đúc không khó nhưng để bánh đúc ngon lại đòi hỏi đôi chút kỳ công. Kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu là gạo tẻ. Gạo tẻ được các cụ chọn làm bánh đúc phải là các loại gạo như: gạo Tám to, gạo Hiến, gạo 203, gạo DT 10; còn ngày nay chủ yếu dùng gạo Khang dân. Theo kinh nghiệm của các cụ, những loại gạo trên nhất thiết phải là gạo được xay, giã từ thóc vụ Chiêm đã để qua thời gian ít nhất một năm (dân gian thường gọi là gạo cũ) thì bánh đúc sẽ dai và ngon, còn gạo được xay từ loại thóc mới gặt về phơi khô (dân gian thường gọi là gạo mới) thì bánh đúc sẽ bị sẩn và bở. Một trong những bí kíp làm bánh đúc ngon nằm ở vôi – thiếu vôi thì nát, thừa vôi thì nồng. Quấy bánh đến lúc sắp bắc ra mới cho chút nước muối – để vừa giữ ẩm vừa làm bánh thêm dẻo.
Người làm bánh ngâm gạo vài ngày trong nước, sau đó vớt gạo ra để ráo rồi xay thành bột. Bột gạo lại được hòa vào nước vôi trong giúp bánh dẻo, dai. Lượng nước vôi pha vào bột gạo vừa đủ để bánh khỏi bị nồng, nát.

Trước khi nấu, tráng một lớp mỡ mỏng vào nồi nấu tạo vị béo cho bánh. Đổ bột vào quấy đều đến khi bột trong nồi quánh lại, trở nên trong mượt, hớt một đũa bột lên thấy bột chảy xuống không dính đũa là bánh đã chín.
Bánh đúc thường được chấm với tương Bần, mắm tôm, mắm tép… Ngày nay kinh tế khá giả hơn một chút, người ta còn ăn kèm bánh đúc với các loại nhân mặn làm từ thịt, tôm… Bánh đúc có vẻ ngoài trắng mịn, bóng mỡ, dễ ăn, dễ tiêu. Sau này, người dân không chỉ làm bánh đúc “ăn cho no” nữa, mà đã biến tấu món bánh đúc nấu kèm với lạc, ăn kèm với nhiều loại thức ăn mặn khác nhau hay với nước cốt dừa.

(Nguồn: Tổng hợp)