Nhắc đến những món ăn dân dã đi vào lòng người của ẩm thực Việt, không thể không kể đến Bánh bèo. Hương vị đậm đà của món bánh này đã khiến bao thực khách quốc tế không thể quên. Nếu nói về những món loại bánh Việt được yêu thích nhất thì chắc chắn bánh bèo sẽ là một trong những cái tên không thể thiếu.
Bánh bèo là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung, ngoài ra cũng phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Ở miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường là bánh to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm sấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn. Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén (bánh bèo chén).
Sang tới miền Nam thì bánh bèo có nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng thường là ăn chung với nhiều loại bánh cũng như gia vị khác, làm cho hương vị đặc trưng của bánh bèo mất đi phần nào. Ở miền Nam, bánh bèo biến thể thành bánh bèo ngọt. Trong chế biến người ta trộn nước đường (thường là đường vàng hòa tan vô nước rồi nấu sôi lên để nguội) vào bột gạo, có thêm lá dứa cho thơm. Nhân bánh thường là đậu xanh nấu tán nhuyễn và bánh bèo ngọt miền Nam ăn với nước cốt dừa. Đây là một món bánh ăn vặt rẻ tiền, ngon và là ký ức tuổi thơ của người miền Nam.
Tên bánh bèo có thể xuất phát từ hình dạng của nó: giống như cái lá của cây bèo. Cũng có một giải thích khác rằng vì những chiếc bánh bèo nhỏ xinh thật bình dị, dân dã nên người ta đặt cho nó cái tên “bèo” có nghĩa là đơn giản, dân dã.
Bánh bèo là sự kết hợp của 3 yếu tố chính đó là bột gạo, nhân để rắc lên bánh, và nước chấm. Ngoài ra, để làm được bánh bèo ngon, người làm bánh phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong từng công đoạn từ pha bột, cho bột vào khuôn, đổ bánh, hấp bánh, làm nhân bánh, nước mắm.
Yếu tổ đầu tiền và cũng là nguyên liệu chính của bánh bèo là bột gạo. Bột Gạo làm bánh bèo nên là loại gạo nở, vì khi làm bánh sẽ có độ nhai và độ bùi nhất định, nếu gạo dẻo quá thì bánh sẽ dính và không ngon. Bột sau khi được ngâm từ 4 – 6 giờ (thời gian đủ để bánh dai và không bị chua) thì sẽ được hòa cùng nước lạnh rồi mang đi khuấy từ từ một cách đều tay. Tiếp đến, người ta cho nước sôi vào và khuấy cho đến khi hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Phần nước lắng màu trắng trên mặt bột sẽ được bỏ đi trước khi mang hấp. Bột sẽ được cho vào các chén nhỏ với lượng vừa đủ để chiếc bánh không quá dày. Các chén bánh bèo sẽ được đưa vào nồi hấp cách thủy khoảng 7-8 phút cho đến khi bánh chuyển sang màu trắng đục.
Yếu tố kế đến là nhân bánh. Nhân bánh bèo gồm các nguyên liệu là tôm chấy (hỗn hợp tôm giã nhuyễn kèm gia vị rim khô), hành phi, tóp mỡ (hoặc bánh mì chiên). Loại tôm được chọn phải là tôm còn tươi. Sau khi làm sạch tôm, lột vỏ, chẻ sống lưng lấy chỉ thì người ta sẽ tiến hành luộc tôm. Sau khi tôm chín, đổ tôm vào máy xay nhuyễn. Hỗn hợp này sẽ mang chiên trên chảo dầu ăn đã được phi thơm tỏi. Người làm bánh sẽ thêm chút muối kèm một số gia vị như tiêu, hành… rồi đảo đều tay đến khi chín sẽ hạ lửa đun riu riu đến khi nào tôm hơi khô thì tắt bếp. Sau khi làm nhân xong, người ta sẽ rải nhân tôm chấy cùng với ít hành phi hoặc bánh mì chiên lên trên mặt bánh bèo rồi xếp từng chiếc bánh nhỏ ra chiếc mẹt tre.
Làm bánh bèo đã cầu kỳ, công đoạn làm nước mắm chấm lại càng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém. Bánh bèo ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nước mắm này. Vỏ tôm khi làm nhân sẽ được giữ lại để luộc lấy nước, thêm chút đường, muối và chút nước mắm. Cái khéo của người làm là làm sao cho nước mắm có vị thanh thanh vừa đủ, không quá ngọt cũng không quá mặn. Nước chấm bánh bèo Huế không có tỏi cũng không dùng chanh hay giấm. Khi ăn, người ta chỉ xắt một ít ớt xanh vào để kích thích vị giác.
Thưởng thức món bánh ngay từ miếng đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của tôm chấy, vị bùi của bột bánh hòa quyện cùng hương vị cay nồng đậm đà của nước mắm. Hương vị tuyệt vời này đã khiến nhiều du khách ăn từ chén bánh này đến chén bánh khác mà không cảm thấy bị ngán.
Không biết có từ bao giờ và xuất xứ ra sao, chỉ biết ngày nay bánh bèo đã trở thành một món ăn đặc sản của người dân xứ Huế nói riêng, và đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung. Từ những lễ hội lớn, ngày tết, ngày giỗ cho đến những bữa cơm dân dã, những bữa ăn thân mật đãi khách phương xa, tất cả đều có sự hiện diện của bánh bèo trên mâm cỗ.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)