Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 ở mức kỷ lục 54,3 triệu tấn, tăng gần 3% so với năm 2022. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục làm chủ thị trường với khối lượng xuất khẩu lên đến 22 triệu tấn, chiếm gần 41% thương mại gạo toàn cầu.
Thương mại gạo toàn cầu dự báo cao kỷ lục, Ấn Độ tiếp tục làm chủ thị trường
Theo báo cáo tháng 6 của USDA, cơ quan này dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 ở mức kỷ lục 54,3 triệu tấn (xay xát), tăng gần 3% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan dự kiến sẽ tăng vào năm tới.
Tính riêng xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dự kiến tăng 1 triệu tấn, lên mức kỷ lục 22 triệu tấn và chiếm gần 41% thương mại gạo toàn cầu. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ thậm chí còn nhiều hơn tổng khối lượng của ba nhà xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại.
Ngoài gạo xát nguyên hạt, Ấn Độ còn xuất khẩu khối lượng kỷ lục gạo tấm giá rẻ, chủ yếu đến Trung Quốc, Tây Phi và Việt Nam.
Không giống như lúa mì, nguồn cung gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2022-2023 khá dồi dào. Do đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh và hoàn toàn làm chủ thị trường gạo toàn cầu.
Đồng thời, các vụ mùa kỷ lục liên tiếp đã đưa dự trữ gạo tại Ấn Độ tăng hơn 2 lần trong những năm gần đây, để lại dư địa dồi dào cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Do đó, mặc dù xuất khẩu tăng và gạo được phân phối nhiều hơn cho các chương trình an ninh lương thực của Chính phủ, nhưng dự trữ gạo của Ấn Độ vẫn được dự báo sẽ tăng lên trong niên vụ tới.
“Tình hình nguồn cung dồi dào tại Ấn Độ cho thấy việc hạn chế xuất khẩu đối với gạo ít có khả năng xảy ra” USDA cho biết.
Trên bình diện thế giới, các lô hàng xuất khẩu của Australia, Paraguay và Uruguay cũng được dự báo sẽ tăng vào năm 2023. Ngược lại, Brazil, Myanmar và Việt Nam dự kiến sẽ giảm, trong khi xuất khẩu của Campuchia và Mỹ không đổi so với năm 2022.
Với Việt Nam, sau khi tăng hơn 200.000 tấn lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022, xuất khẩu dự kiến giảm xuống còn 6,4 triệu tấn trong năm 2023.
Trái lại, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng gần 1 triệu tấn lên mức 7 triệu tấn vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên 7,5 triệu tấn trong năm tới.
Về nhập khẩu gạo toàn cầu, Trung Quốc chiếm phần lớn trong mức tăng dự kiến toàn cầu trong năm 2023 với dự báo đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Theo đó, Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu số lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.
Tiếp theo, Philippines dự báo sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với 3 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, không thay đổi so với kỷ lục của năm 2022.
Nigeria và EU được dự báo sẽ đều nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo vào năm 2023, trong đó nhập khẩu của EU dự kiến cao kỷ lục và Nigeria chủ yếu nhập khẩu gạo đồ.
Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo vào năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi, UAE và Mỹ.
Tiêu thụ vượt sản lượng
Cũng theo USDA, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ở mức kỷ lục 515,4 triệu tấn (xay xát), tăng 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 1,7 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.
Sản lượng dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn ở Australia, Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Nepal, Nigeria, Pakistan và Thái Lan.
Ấn Độ dự kiến ghi nhận sản lượng tăng mạnh nhất, tăng 0,8 triệu tấn lên mức kỷ lục 130,5 triệu tấn. Trong khi Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc và Pakistan cũng được dự báo sẽ có vụ mùa kỷ lục trong năm 2022-2023.
Ngược lại, sản lượng dự báo sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn ở Brazil, Ghana, Hàn Quốc, Madagascar, Nga, Tanzania và Mỹ.
Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 cũng được dự báo sẽ thiết lập kỷ lục mới là 519,2 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 1% so với niên vụ 2021-2022.
Ấn Độ chiếm phần lớn sự gia tăng trong tiêu thụ gạo toàn cầu vụ 2022-2023 với dự báo tăng 0,5 triệu tấn lên mức kỷ lục 107,5 triệu do nguồn cung lớn hơn.
USDA cũng nâng dự báo tiêu thụ gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2021-2022 lên gần 107 triệu tấn, tăng hơn 5 triệu tấn so với vụ trước đó, dựa trên nhu cầu sử dụng gạo cao hơn dự kiến trong các chương trình trợ cấp lương thực của nước này.
Ngoài ra, tiêu thụ gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2022-2023 dự báo tăng 0,8 triệu tấn so với vụ trước lên mức 156,6 triệu tấn. Trong khi Bangladesh cũng tăng 0,3 triệu tấn lên 36,8 triệu tấn.
Tồn kho toàn cầu dự kiến giảm năm thứ 2 liên tiệp
Về tồn kho gạo toàn cầu, USDA dự báo tồn kho cuối vụ 2022-2023 đạt 183,4 triệu tấn, giảm 2,8 triệu tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 2% so với vụ trước. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tiêu thụ vượt sản lượng dẫn đến tồn kho giảm.
Tồn kho của Trung Quốc dự báo giảm 4 triệu tấn xuống còn 109 triệu tấn, do tiêu thụ tăng mạnh vượt xa kỷ lục sản xuất và nhập khẩu.
Còn tại Ấn Độ, tồn kho gạo dự báo ở mức 39,7 triệu tấn, thấp hơn 2,8 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng vẫn tăng 1 triệu tấn so với ước tính sửa đổi của vụ 2021-2022 và là mức cao nhất ghi nhận được của nước này.
USDA cũng điều chỉnh ước tính tồn kho gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2021-2022 giảm 2,8 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng 1,7 triệu tấn so với vụ 2020-2021, đạt 38,7 triệu tấn. Trong hai niên vụ 2021-2022 và 2022-2023, các kho dự trữ cuối kỳ của Ấn Độ đã giảm xuống dựa trên dự báo về mức tiêu thụ và sử dụng còn lại cao hơn.
Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm hơn 81% tổng lượng hàng tồn kho cuối kỳ toàn cầu. Tỷ lệ sử dụng dự trữ toàn cầu vụ 2022-2023 dự kiến là 35,3%, giảm từ 36,4% của niên vụ 2021-2022.
Hoàng Hiệp