Đến nay, Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 thương hiệu gạo tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu gạo chung cho tỉnh.
Năm 2025 xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình
Theo báo cáo, Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với diện tích gieo trồng hàng năm gần 150.000ha, năng suất ổn định từ 131 – 132 tạ/ha/năm, sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 8 HTX kinh doanh nông sản, có hơn 1.300 nông dân tập trung tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong đó diện tích tích tụ quy mô từ 2ha trở lên đạt trên 4.800ha.
Hiện Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 thương hiệu gạo, như: gạo làng Giắng, gạo Nếp Keo, gạo Chợ Gốc, gạo 3T… tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu gạo chung cho tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, trên cơ sở phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định nông nghiệp tiếp tục là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng, bệ đỡ cho phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh; trong đó, sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng yếu. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ diện tích lúa có liên kết sản xuất đạt 30 – 40%, tương đương khoảng 50.000 – 60.000ha; diện tích lúa chất lượng cao đạt 50 – 60%; xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình…
Là tỉnh có lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, Thái Bình luôn chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu, nâng cấp giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Trong điều kiện diện tích, năng suất lúa của tỉnh gần như tiệm cận với các điều kiện phát triển, vấn đề thương hiệu, chất lượng được xem là công cụ đột phá mới nhằm tăng giá trị sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Quan điểm phát triển ngành lúa gạo của Thái Bình thời gian tới sẽ tập trung nâng cao giá trị hạt lúa trên một đơn vị diện tích sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường và quy trình canh tác chuẩn quốc tế – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Tại hội nghị chuyên đề phát triển sản xuất lúa gạo tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Thái Bình cần xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, phải xác định lúa gạo là một lợi thế của tỉnh.
Ông Cường cũng cho biết, ngoài vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông thôn, ổn định xã hội, sản xuất lúa gạo Thái Bình đang phải đối diện, đối mặt với những khó khăn thách thức, nào là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất tự phát, nào là sản xuất chạy theo số lượng. Để phát triển, hạt gạo Thái Bình phải gắn với những lợi thế về văn hoá, du lịch, di sản và đặc biệt là phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Với từng vấn đề, từng nội dung vướng mắc chúng ta phải giải quyết 1 cách căn cơ, bài bản để làm sao ngành lúa gạo Thái Bình có thể phát triển và nâng cao hiệu quả.
Doanh nghiệp đề xuất các giải pháp
Để nâng cao năng lực sản xuất lúa gạo tại Thái Bình, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các chủ hộ đại điền, HTX dịch vụ nông nghiệp,… đề xuất các nội dung liên quan đến quy vùng sản xuất lúa gạo, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, vấn đề về giống, liên kết sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong đồng ruộng, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, vấn đề về chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạọ và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, để ngành lúa gạo thực sự phát triển cần phải có sự đổi mới căn cơ từ tỉnh xuống đến các địa phương, các HTXH dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Giám đốc Công ty Gạo Khang Long (huyện Kiến Xương) cho rằng, bình quân để một nhà máy sấy lúa có thể hoạt động được cần khoảng 300 tấn lúa/ngày. Thời vụ gặt của chúng ta chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày. Trong khoảng 20 ngày đó, mỗi nhà máy chỉ có thể sấy được 6000 tấn lúa. Để hoàn thiện số lượng 50 nghìn ha, ít nhất phải cần 100 nhà máy sấy lúa. Trong khi đó, Thái Bình chỉ “đếm trên đầu ngón tay” nhà máy sấy lúa.
Bên cạnh đó, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Bình SEED cho rằng, phải xây dựng vùng quy hoạch sản xuất lúa gao, phải xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất, phải đào tạo nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển, và phải mở rộng hợp tác.
Tỉnh nên giúp chúng tôi hoàn thiện chiến lược xây dựng Thái Bình thành trung tâm giống cây trồng của cả nước. Đây chính là mặt hàng có giá trị, cao hơn cả làm gạo – ông Báo đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đề nghị, các cấp, các ngành cần quan tâm một cách thực chất, đầy đủ hơn đến sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp, hộ tích tụ ruộng đất với tâm huyết, khát vọng đưa sản xuất lúa gạo của Thái Bình phát triển cần liên kết, bằng những việc làm cụ thể, trách nhiệm đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm tạo đổi thay căn bản cho sản xuất lúa gạo với mục tiêu tạo đột phá, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và thu nhập cho nông dân, từng bước đưa Thái Bình là tỉnh dẫn đầu trong sản xuất lúa gạo của cả nước.
LAN VŨ
https://diendandoanhnghiep.vn/thai-binh-tim-giai-phap-dua-san-xuat-lua-gao-dan-dau-ca-nuoc-225561.html