TTO – Bà Sabrin Chowdhury, người đứng đầu mảng hàng hóa tại Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Solutions, cho biết khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu.
Các quốc gia đang hạn chế xuất khẩu lương thực để đối phó với tình trạng giá cao do xung đột Ukraine trở nên trầm trọng hơn.
Ngày 23-5, Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang.
Khối lượng thịt gà xuất khẩu của Malaysia là 3,6 triệu tấn/tháng.
Động thái trên khiến Singapore quan ngại vì nước này phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia. Theo số liệu chính thức, khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 là từ Malaysia.
Trước đó Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và chuẩn bị hạn chế cả xuất khẩu đường. Indonesia cũng giới hạn bán dầu cọ và một số quốc gia khác ban hành hạn ngạch ngũ cốc.
Hãng tin Bloomberg cảnh báo các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do giá lương thực tăng vọt và tình trạng thiếu hụt lương thực, nhưng các nền kinh tế giàu có hơn cũng bị tác động mạnh.
Ví dụ gần 10 triệu người Anh cắt giảm lương thực vào tháng 4 trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Các nhà hàng Mỹ đang giảm kích thước khẩu phần ăn, trong khi Pháp cam kết cấp phiếu thực phẩm cho một số hộ gia đình.
“Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn ở Anh và Mỹ đang phải vật lộn để tự kiếm ăn”, bà Sonia Akter, phó giáo sư ngành nông nghiệp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Bà Akter nói: “Giá cả tăng cao sẽ gây ra ảnh hưởng không tương xứng đến người nghèo, những người dành phần lớn thu nhập cho thực phẩm”.
Công cụ đo của Liên Hiệp Quốc ghi nhận giá lương thực thế giới đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020 và gần đạt mức kỷ lục sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, làm tắc nghẽn xuất khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu và làm rối loạn chuỗi cung ứng.
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy trong giai đoạn này có thể đẩy chi phí tiếp tục lên cao, tổn hại sức mua của người tiêu dùng và đẩy các ngân hàng trung ương vào thế khó khi vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải duy trì tăng trưởng.
Bà Sabrin Chowdhury từ Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Solutions cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007 và 2008.
“Chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ tiếp tục trong năm 2022 và gia tăng vào những tháng tới, tăng thêm rủi ro an ninh lương thực đối với những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”, bà Chowdhury nói.
Giới quan sát lo ngại tình thế hiện nay sẽ tạo tiền đề cho một số mặt hàng chủ lực quan trọng nhất trở nên đắt đỏ hơn.
Theo Bloomberg, giá lúa mì giao sau đã tăng 56% trong năm nay, dầu cọ tăng 38%, trong khi công cụ của Liên Hiệp Quốc ghi nhận giá sữa tăng 14%.
Hạn chế xuất khẩu không chỉ là tin xấu đối với các nước nhập khẩu. Tiến sĩ David Adamson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và thực phẩm toàn cầu tại Đại học Adelaide, cho biết họ cũng trừng phạt nông dân ở các quốc gia sản xuất bằng cách ngăn họ tận dụng giá quốc tế cao.
Ông nói: “Chủ nghĩa bảo hộ là điều tồi tệ nhất đối với an ninh lương thực vì nó ngăn cản thị trường hoạt động để giải quyết ổn thỏa”.
Nguyên Hạnh
https://tuoitre.vn/da-co-30-quoc-gia-han-che-xuat-khau-luong-thuc-chu-nghia-bao-ho-troi-day-20220525100145163.htm