Nhằm tôn vinh sản phẩm gạo Việt Nam và thúc đẩy quảng bá sản phẩm gạo ngon Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, từ năm 2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam.
Loại gạo đoạt giải sẽ được VFA đề cử đại diện Việt Nam đi thi giải Gạo ngon nhất thế giới.
Sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2019, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam bị gián đoạn do tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến quá phức tạp. Đến nay, cuộc thi này trở lại và hứa hẹn nhiều hấp dẫn.
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam góp phần quảng bá sản phẩm gạo
Mới đây, VFA đã gửi công văn đến Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thông báo về việc khởi động lại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần III – năm 2022, sẽ diễn ra vào ngày 4/11/2022, tại Nhà khách 108 Nguyễn Du, do VFA phối hợp cùng với Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch VFA cho biết, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam ngoài ý nghĩa nhằm tôn vinh sản phẩm gạo Việt Nam và thúc đẩy việc quảng bá sản phẩm gạo ngon Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, loại gạo đoạt giải sẽ được VFA cử đại diện gạo Việt Nam dự giải Gạo ngon nhất thế giới do Tạp chí The Rice Trade (TRT) tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Gạo quốc tế thường niên.
“2019 là năm đầu tiên VFA tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam, gạo ST25 đã đoạt giải nhất nên được VFA đề cử đại diện Việt Nam đi thi giải Gạo ngon nhất thế giới, tại cuộc thi này gạo ST25 đã xuất sắc vượt qua nhiều loại gạo của các nước khác để giành giải nhất. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam được nhận giải cao nhất của cuộc thi này sau 11 lần tổ chức.
Giống lúa ST25 do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương tại tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu lai tạo. Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ II – năm 2020, nhóm gạo ST25 lại đoạt giải nhất, và tiếp tục đại diện Việt Nam đi thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức tại Mỹ. Tuy nhiên, gạo ST25 chỉ đoạt giải nhì, giải nhất thuộc về Thái Lan, giải ba là Campuchia”, Chủ tịch VFA điểm lại.
Từ năm 2014, giống ST25 được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho sản lượng đạt tới 7 tấn/ha. Ngoài là giống lúa đặc sản, ST25 còn được coi là giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt ST25 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa-tôm.
Tìm ra “gương mặt” mới đại diện Việt Nam dự cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần III – năm 2022, được VFA khởi động trở lại với mong muốn tìm ra “gương mặt” mới để VFA cử làm đại diện Việt Nam đi tham dự cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới lần thứ 14 do TRT tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới diễn ra từ ngày 15 – 17/11 tại Phuket, Thái Lan.
Vẫn theo Chủ tịch VFA, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam được tổ chức hàng năm ngoài mục đích chọn ra loại gạo ngon của Việt Nam để quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; cuộc thi còn mong muốn khuyến khích các nhà khoa học, các nhà lai tạo trong nước nghiên cứu ra tạo ra các giống lúa có chất lượng ngon, và loại gạo đạt giải sẽ được VFA cử làm đại diện Việt Nam dự thi Gạo ngon nhất thế giới.
“Qua các cuộc thi vừa rồi tôi nhận thấy nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đều tham gia rất nhiệt tình và VFA đang từng bước hoàn thiện các thể chế dự thi, và đề xuất Bộ NN–PTNT tham gia vào ban tổ chức, vì vậy hiện nay trong ban tổ chức gồm có VFA, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và báo chí.
Tôi rất hy vọng cuộc thi năm nay sẽ được đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp nhiệt tình tham dự cuộc thi, và sau mỗi cuộc thi chúng ta những giống lúa mới có chất lượng ngon xuất hiện để làm phong phú danh sách gạo ngon Việt Nam”, Chủ tịch VFA kỳ vọng.
Các loại gạo thơm và nếp tham dự cuộc thi phải là các giống sản xuất được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm Quốc gia tối thiểu 01 vụ tại một trong bốn Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước:
Đã có kết quả khảo nghiệm DUS đảm bảo yêu cầu về tính khác biệt, đồng nhất và ổn định. Phải có lý lịch rõ ràng, phải kê khai tổ hợp lai để chọn ra giống đó. Nếu là của chủ sở hữu khác phải được ủy quyền bằng văn bản. Mỗi đơn vị tham gia tối đa 03 (ba) sản phẩm cho mỗi chủng loại.
Theo Ban tổ chức, 3 tiêu chí để xác định loại gạo ngon nhất là mẫu gạo trước khi nấu, sau khi nấu và bài thuyết minh đặc tính của gạo. Bên cạnh đó, yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc; gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt.
Nguyễn Huyền
https://nhipsongkinhdoanh.vn/cuoc-thi-gao-ngon-viet-nam-lan-iii-nam-2022-chinh-thuc-bat-dau-post3102765.html