HẬU GIANG Thay vì làm 3 vụ lúa, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi chỉ làm 2 vụ/năm, còn lại để đất nghỉ hoặc trồng rau màu, nuôi cá ruộng… Làm ít, nhưng lợi nhuận lại rất cao.
Mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa để cho đất nghỉ
Cánh đồng chuyên canh lúa rộng 490 ha của HTX Nông nghiệp Thuận Lợi (xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân 2021 – 2022 khoảng 3 tuần, đang phơi mình nghỉ ngơi. Cánh đồng rộng trải mình bên dòng sông Nước Đục hiền hòa, cung cấp nguồn nước tưới cho ruộng đồng thêm tươi tốt. Người dân ở đây chỉ đầu tư làm 2 vụ lúa chính trong năm là đông xuân và hè thu, thời gian còn lại cho đất nghỉ hoặc trồng rau màu, nuôi cá ruộng.
Trước đây, dòng sông Nước Đục thường bị nước mặn từ biển Tây theo sông Cái Lớn xâm nhập vào, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, hạn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn – Cái Bé đã hoàn thành, vận hành kiểm soát tốt nguồn nước, mặn không còn xâm lấn sâu vào nội đồng nữa. Tuy nhiên, người dân Thuận Hưng vẫn quyết định chỉ làm lúa 2 vụ/năm, bởi hiệu quả kinh tế mới là quyết định chứ không phải làm nhiều là thắng lợi.
Anh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thuận Lợi bảo: Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân nơi đây đã thay đổi hẳn tập quán canh tác. Ai cũng mạnh dạn chuyển từ tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, sạ dày sang quy trình canh tác hiện đại. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, hoạch toán lời lỗ sau mỗi vụ, chứ không chạy theo năng suất cao mà tốn chi phí đầu tư”.
Dẫn tôi đi thăm khu nhà xưởng với nhiều loại máy móc, sắt thép và cả những chồng bao phân hữu cơ, các thùng phân hữu cơ vi sinh dạng nước đóng chai, anh Tâm cho biết: “HTX đã đăng ký chuyển sang làm lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ để tiến tới làm thương hiệu gạo cung cấp ra thị trường. Các xã viên đã được tập huấn, vụ hè thu 2022 sẽ bắt tay làm một phần diện tích, từ từ mở rộng ra toàn HTX”.
HTX Nông nghiệp Thuận Lợi được thành lập từ năm 2011, có 122 xã viên, với diện tích canh tác 490 ha, chuyên sản xuất lúa. Năm 2017, tổ chức nông dân này được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khảo sát và chọn tham gia Dự án VnSAT. Qua đó, đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, gồm 2 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 5 km, 4 cây cầu, kết hợp với cống bơm tưới kiên cố, điều tiết nước hiện đại. Hiện HTX có 2 trạm bơm điện với 4 mô tơ công suất 50HP/máy, đủ sức làm dịch vụ tưới tiêu cho các xã viên.
Theo anh Nguyễn Thanh Tâm, hiện toàn bộ diện tích canh tác của HTX đều nằm trong khu đê bao, có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Các dịch vụ như bơm tưới, thu hoạch lúa, bao tiêu lúa hàng hóa cho bà con xã viên được HTX đảm nhận và đủ năng lực thực hiện. Mặc dù vậy, bà con ở đây vẫn đồng lòng chỉ làm lúa 2 vụ/năm.
“Làm lúa 2 vụ/năm có cái lợi là không bị áp lực về thời gian mùa vụ gấp gáp, đất có thời gian nghỉ ngơi, cách ly giữa các mùa. Thời gian còn lại, nông dân trồng rau màu trên ruộng lúa, trồng nấm rơm sau đó lấy rơm mục làm phân hữu cơ trả lại cho đồng ruộng. Một số hộ thì chọn thời điểm mùa nước nổi thả nuôi cá ruộng, như cá mè, cá chắm cỏ… Phân cá và các chất hữu cơ đọng lại sau vụ nuôi làm lúa rất tốt. Nhờ đó, mà nông dân giảm được chi phí đầu tư, giá thành sản xuất lúa thường rẻ hơn so với 3 vụ/năm, lợi nhuận cao hơn”, vị Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tâm phân tích.
Xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) có diện tích sản xuất 1.748 ha, đa số người dân nơi đây có thu nhập chính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng nghề trồng lúa. Những năm qua, nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ từ những hiệu quả tích cực mà Dự án VnSAT mang lại, nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, xây dựng cánh đồng lớn gắn với hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, bỏ tập quán sạ dày, giúp giảm chi phí, hạ giá thành, đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Hiện trên địa bàn xã đang có nhiều mô hình sản xuất lúa mang lại thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha/năm.
Làm ít, lợi nhuận vẫn cao
Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân HTX Nông nghiệp Thuận Lợi đã bỏ hẳn tập quán sạ dày, cũng không còn chạy theo năng suất cao với chi phí đầu tư cao. Hình thức kéo hàng hay sạ cụm bằng máy là cách gieo sạ phổ biến nhất hiện nay, với lượng lúa giống chỉ từ 80 – 100 kg/ha, giảm hơn phân nửa so với trước đây.
HTX cũng đã thành lập đội dịch vụ chuyên làm công tác xuống giống cho bà con xã viên, đã đầu tư mua sắm 2 chiếc máy sạ cụm, 15 máy kéo hàng và 10 máy phun hạt kết hợp sạ phân. HTX có đội chuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, nhờ làm chung, cùng phòng trừ sâu, bệnh chung nên rất hiệu quả, hạn chế được số lần phun so với làm đơn lẻ.
Với những kiến thức được Dự án VnSAT tập huấn, bà con áp dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên vụ nào cũng trúng mùa. Vụ đông xuân 2021 – 2022, HTX chọn 2 giống lúa chất lượng cao để sản xuất là RVT và Đài thơm 8. Nhờ canh tác tốt, lúa đạt năng suất khá cao, từ 7 – 8 tấn/ha.
“Lúa hàng hóa nông dân làm ra được HTX thu gom và cung cấp cho các công ty, ký hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn. Số lượng mà doanh nghiệp Ngọc Quang Phát bao tiêu với HTX trong vụ đông xuân 2021 – 2022 là hơn 1.000 tấn lúa thương phẩm. Giá lúa RVT là 7.100 đồng/kg, Đài thơm 8 là 5.800 đồng/kg. Năm nay chi phí vật tư tăng khá cao nhưng nhờ gieo sạ thưa, bón phân cân đối, tiết kiệm nên trung bình các xã viên vẫn lãi được khoảng 20 triệu đồng/ha”, anh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thuận Lợi phấn khởi cho biết.
Dự án VnSAT không chỉ đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ sản xuất lúa cho xã viên mà còn nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân thông qua đào tạo nâng cao trình độ quản trị, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng dịch vụ.
Hiện tổng tài sản cố định của HTX có trị giá 7,2 tỷ đồng, vốn lưu động là 720 triệu đồng. HTX tập trung liên kết “4 nhà”, đẩy mạnh các dịch vụ cho xã viên như: Bơm tưới, gieo sạ và chăm sóc lúa, dịch vụ thu hoạch lúa, sản xuất lúa giống và bao tiêu lúa cho nông dân. Khu vực của HTX có vị trí địa lý thuận lợi, tuyến kênh rạch thông thương, các trục giao thông chính rất thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa cả đường bộ lẫn đường thủy, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho từng hộ xã viên.
“HTX Nông nghiệp Thuận Lợi đang phấn đấu trở thành tổ chức nông dân phát triển bền vững, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo. HTX tự sản xuất lúa giống 20 ha cung cấp cho xã viên để tiết kiệm chi phí. Hợp đồng trực tiếp với công ty cung ứng vật tư nông nghiệp không qua trung gian để tiết kiệm chi phí đầu vào. Ký hợp đồng bao tiêu trực tiếp với công ty chế biến nông sản, sản xuất lúa theo đơn đặt hàng để giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận cho bà con xã viên.
HTX đầu tư trang thiết bị nhà kho, lò sấy, máy tách hạt giống, xe vận tải để làm tốt khâu dịch vụ. Xây dựng 20 ha lúa VietGAP để làm sản phẩm gạo, gắn với sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu riêng, đăng ký vùng trồng và truy xuất nguồn gốc”, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thuận Lợi Nguyễn Thanh Tâm cho biết.
Đ.T.CHÁNH – VĂN VŨ
https://nongnghiep.vn/vuot-bao-gia-vat-tu-nho-cho-dat-nghi-ngoi-d319064.html