Vụ lúa đông xuân 2021-2022, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) sản xuất với tổng diện tích trên 25.100ha. Trà lúa chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ và đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và dịch hại phức tạp, nông dân không nên chủ quan mà cần chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa, nhất là vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến.

Ông Trần Văn Tâm, ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trà lúa của tôi cũng như của bà con đều phát triển tốt, gặp thuận lợi về thời tiết. Gia đình tôi canh tác 10 công lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận. Lúa hơn 2 tháng tuổi, phát triển tốt nhờ canh tác theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, hạn chế phun xịt thuốc, bón phân nên cũng ít tốn chi phí. Vụ này, khả năng lúa trúng mùa rất cao, bởi đồng ruộng bồi bổ phù sa, nguồn nước đầy đủ cho lúa phát triển. Cánh đồng của tôi có hệ thống đê bao, thủy lợi khá tốt nên thuận lợi trong chăm sóc, dự trữ nước”. Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Thạnh An, cũng cho biết: “Có 6 công ruộng sạ lúa giống Jasmine 85 trong vụ đông xuân 2021-2022. Ruộng lúa của tôi phát triển tốt, nhờ trong thời gian chuẩn bị gieo sạ gia đình tôi vệ sinh đồng ruộng thận trọng, diệt ốc bươu vàng, diệt cỏ, chăm sóc lúa theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”… Tuy nhiên, tôi không vì vậy mà chủ quan, lơ là thăm đồng, theo dõi sát ruộng lúa để phòng tránh sâu bệnh, rầy nâu phá hại, nhất là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới”.
Vụ lúa đông xuân 2021-2022, huyện Vĩnh Thạnh sản xuất trên 25.100ha, ước tổng sản lượng khoảng 183.230 tấn lúa hàng hóa. Ðể đạt kế hoạch này, Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” vào sản xuất. Cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ, như Jasmine 85, OM 5451, Ðài Thơm 8, OM18, RVT, nàng hoa 9, ÐS1, nếp… Hiện nay, lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh 5.316ha; làm đòng 19.340,7ha; giai đoạn trổ bông 466ha. Thời gian qua, lúa đông xuân 2021-2022 phát triển khá tốt, có nhiều đối tượng sâu bệnh xuất hiện trên ruộng lúa nhưng ở mức độ thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, do diện tích lúa trổ và chắc xanh sẽ tăng nhanh vào dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh đó thời tiết se lạnh và có sương mù về đêm và sáng sớm, thích hợp cho nhiều đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển, như: rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn bông và bệnh lem lép hạt trên lúa. Trong đó rầy nâu là đối tượng cần đặc biệt quan tâm theo dõi và phòng trị khi mật số lên cao.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Do có nhiều trà lúa lệch nhau về thời gian xuống giống, trên ruộng lúa có nhiều lứa rầy đan xen nhau, do đó diễn biến rầy nâu từng khu vực, từng trà lúa, từng giống lúa không giống nhau. Nhưng, cơ bản mật số rầy sẽ gia tăng từ nay đến Tết và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, do đó nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi kỹ ruộng lúa để chủ động phòng trừ kịp thời khi phát hiện mật số rầy lên cao…”.
Ðể chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại lúa nói chung, rầy nâu nói riêng bảo vệ tốt lúa đông xuân, nhất là trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng Kế hoạch bảo vệ lúa đông xuân 2021-2022, đồng thời phân công cụ thể từng cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật theo dõi từng cánh đồng. Cán bộ kỹ thuật tham gia phòng chống rầy nâu phải bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến sâu bệnh nói chung, rầy nâu nói riêng để kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trị hiệu quả. Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân phòng trừ, hạ thấp mật số rầy xuống mức an toàn trước khi đón Tết.
Cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phối hợp Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn thuộc địa bàn được phân công tổ chức thăm đồng, nắm sát tình hình sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ; UBND các xã, thị trấn phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức rà soát tình hình sâu bệnh trên địa bàn, đặc biệt là rầy nâu và kịp thời thông báo đến tận xóm, ấp để nông dân biết, chủ động theo dõi và phòng trừ hiệu quả trước khi đón Tết. Ðối với khu vực có nguy cơ cao về dịch hại cần tổ chức thành đoàn thăm đồng để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ an toàn lúa, không vì đón Tết mà để lúa bị thiệt hại do sâu bệnh, nhất là rầy nâu…
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, do đó địa phương chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn, hiệu quả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Không để rầy nâu và các loại dịch hại khác phát triển, gây thiệt hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Vụ lúa đông xuân 2021-2022, Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm với mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất… để đạt được mục tiêu mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN
https://baocantho.com.vn/vinh-thanh-ngay-tet-van-khong-lo-la-cham-soc-lua-dong-xuan-a143139.html