Là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của cả nước về cây lúa, qua 45 năm hình thành, phát triển, Viện Lúa ĐBSCL đã lai tạo, phóng thích trên 180 giống lúa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL và một số vùng miền trong cả nước. Bên cạnh công tác chọn tạo và chuyển giao giống, Viện Lúa còn bắt tay hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học, địa phương, doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ khoa học về quy trình, kỹ thuật canh tác đến nông dân, góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Ở lĩnh vực quản lý dịch hại, trong vụ đông xuân 2021-2022, Viện Lúa ĐBSCL được Công ty CP Phân bón Hóa chất Bình Điền hỗ trợ xây dựng Trạm giám sát sâu rầy ứng dụng công nghệ thông minh. Trạm phục vụ quan trắc côn trùng và khí tượng thông minh đặt tại khu vực ruộng thí nghiệm của Viện Lúa, vận hành bằng tấm pin năng lượng mặt trời và trang bị hệ thống quan trắc khí tượng, xác định hướng gió, tốc độ gió, lưu lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm… Nguyên tắc hoạt động của trạm là dùng ánh sáng để dẫn dụ sâu rầy, bướm vào ban đêm. Thiết bị sẽ thay đổi màu sắc ánh sáng phát ra tùy theo độ nhạy ánh sáng của các loại sâu rầy. Khi sâu rầy khi đến gần sẽ thu hút vào bên trong tủ, thiết bị công nghệ sẽ chụp ảnh, phân tích, đếm số lượng kết hợp nhận dạng loại rầy. Thông tin sẽ được chuyển về hệ thống, chuyển tải vào ứng dụng (app) cài đặt trên điện thoại thông minh để đơn vị chủ quản quản lý cũng như gửi thông tin đến nông dân.
Trong sản xuất lúa, mỗi yếu tố khí hậu, điều kiện bất lợi sinh học ngoại cảnh đều có ảnh hưởng nhất định đến quá trình sản xuất, năng suất, chất lượng lúa gạo. Theo ông Võ Văn Phu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Hóa chất Bình Điền, chia sẻ: Trạm giám sát sâu rầy và khí tượng thông minh là hạt giống công nghệ ban đầu để Công ty liên kết, hợp tác cùng Viện Lúa tiến tới nhân rộng mô hình cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và triển khai đến tận nông dân. Với trạm quan trắc này, cơ quan chủ quản có thể trích xuất dữ liệu thường xuyên, khẩn cấp để làm cơ sở đưa ra các dự báo về sâu rầy, dịch bệnh, đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho nông dân về kịp thời sử dụng phân bón hoặc có kỹ thuật canh tác, phòng ngừa dịch hại phù hợp. Qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, xuất phát từ Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hiện nay có nhiều công nghệ thông minh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Các công cụ hiện đại này hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, dự báo tình hình khí tượng, sâu hại tại Viện và các địa phương lân cận, hỗ trợ công tác chỉ đạo sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Chuyển giao gói kỹ thuật canh tác
Để gạo Việt Nam chinh phục được các thị trường lớn, rất cần các gói kỹ thuật để nâng chất dây chuyền sản xuất, nâng cao uy tín, chất lượng lúa gạo. Ngoài nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chọn tạo giống, Viện Lúa ĐBSCL còn thường xuyên nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác lúa phù hợp với các vùng sinh thái ở ĐBSCL và một số vùng miền khác trên cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), để sản xuất lúa bền vững doanh nghiệp và nông dân cần có những chứng nhận về sản xuất bền vững, phát thải carbon thấp, giảm hiệu ứng nhà kính, minh bạch chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc. Thời gian qua, IRRI và Viện Lúa ĐBSCL đã liên kết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cơ giới khâu làm đất, quản lý dinh dưỡng thông minh, đổi mới phương thức canh tác, quản lý rơm rạ theo hình thức kinh tế tuần hoàn xanh… Sắp tới, đôi bên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật này đến nông dân các địa phương nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Viện Lúa vẫn duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác, các địa phương để triển khai kịp thời công tác chuyển giao giống lúa và các gói tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, không để gián đoạn các kế hoạch hợp tác đã vạch ra từ trước. Điều đáng mừng là các đơn vị ngày càng quan tâm, đầu tư đặt hàng với Viện Lúa để nghiên cứu về chọn tạo giống lúa kèm theo gói kỹ thuật canh tác chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, nhận định: Gạo Việt Nam cần quy trình sản xuất khép kín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo tính bền vững. Trong quá trình nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa mới đặt ra yêu cầu giải quyết hài hòa lợi ích của nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong việc giữ được các giống lúa tốt trong từng vụ sản xuất của nông dân, Chất lượng các giống lúa phải đi kèm với các gói kỹ thuật sản xuất hiện đại, tiên tiến gắn với định hướng giảm chi phí sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân. Vì vậy Cục Trồng trọt mong muốn Viện Lúa tiếp tục kiện toàn hoạt động, khẳng định quy mô hoạt động không chỉ mang tầm khu vực mà phải mang tầm thế giới, qua việc tham gia xây dựng quy trình canh tác hoàn chỉnh, khép kín chuỗi giá trị sản xuất lúa, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật canh tác, biến đổi khí hậu của ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN
https://baocantho.com.vn/hop-tac-chuyen-giao-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat-ve-san-xuat-lua-a144389.html