Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để hiểu rõ về nội dung bao trùm cũng như mục tiêu của đề án, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu lớn; trong đó có vùng lúa chất lượng cao. Xin thứ trưởng cho biết định hướng về vấn đề này?
Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đạt bình quân 2,62%/năm giai đoạn 2016-2020. Các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang trên 180 nước và vùng lãnh thổ, mang lại giá trị 48,6 tỷ USD năm 2021.
Để phát triển bền vững theo Chiến lược, nhiều vấn đề ngành phải thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sự đầu tư bài bản, cơ giới hóa đồng bộ, đạt tiêu chuẩn chứng nhận để đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.
Năm 2021, Bộ đã xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” cho một số mặt hàng như: vùng cây ăn quả ở miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ bền vững ở Duyên hải Miền Trung, cà phê ở Tây Nguyên, lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 160.000 ha tại 13 tỉnh, thành.
Đối với ngành hàng lúa gạo, được sự chỉ đạo quyết liệt của bộ, ngành hàng này đã đạt được kết quả tốt với trên 80% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nhất là gia tăng gia trị, tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang định hướng xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án này nhằm xây dựng vùng lúa chất lượng cao vừa đảm bảo gia tăng giá trị vừa giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, đồng thời góp phần vào thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia tại COP26.
Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về nội hàm khi xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao này?
Trong đề án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng xây dựng cần phải hiểu rộng về nội hàm vùng lúa chất lượng cao. Vùng lúa này phải giống lúa chất lượng cao đạt chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu trong nước và thế giới. Có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng như việc nhiều người tiêu dùng có nhu cầu về gạo cho người tiểu đường, hay nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Vùng này phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, nhất là sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đảm bảo được đầu vào có chất lượng, đầu ra có giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng người nông dân được cung cấp đầu vào đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Như vậy, vùng lúa chuyên canh chất lượng cao không chỉ là giống lúa chất lượng mà phải đem lại giá trị gia tăng và thu nhập cao cho nông dân. Nếu lúa chất lượng cao nhưng không bán được, không tạo giá trị gia tăng cho nông dân thì sẽ không phải là vùng lúa chất lượng cao.
Vùng lúa chuyên canh chất lượng cao phải thực hiện cơ giới hóa và hạ tầng đồng bộ. Cánh đồng được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tích hợp các công nghệ thông minh trong sản xuất như cảnh báo dịch bệnh, tưới nước tiết kiệm…
Vùng lúa này phải được đầu tư phát triển bền vững, sẽ tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo.
Việc gia tăng giá trị ở vùng lúa chất lượng cao, nông dân không chỉ hưởng lợi từ giá trị gia tăng của hạt gạo mà còn từ quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.
Để có thể xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, theo Thứ trưởng vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan là thế nào?
Với mục đích xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao như tôi vừa chia sẻ thì đây là một vấn đề khó, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng cao; hỗ trợ chính sách để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhà nước sẽ giữ vài trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistics, phát triển thương hiệu theo hướng “lúa sinh thái”, “lúa phát thải thấp”.
Đối với doanh nghiệp, hiệp hội giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Nông dân trồng lúa và hợp tác xã giữ vai trò trực tiếp sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện quy mô phát triển liên kết hợp tác sản xuất. Ở đây, lực lượng khuyến nông cộng đồng cũng giữ vai trò là cầu nối truyền tải kiến thức khoa học công nghệ, chủ chương chính sách của nhà nước đến người nông dân.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ hợp tác của các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, điển hình là Viện Nghiên cứu lúa quốc tế trong chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, trang bị kiến thức về thị trường và định hướng xu hướng phát triển của ngành hàng này theo nhu cầu thị trường toàn cầu.
Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Hiện tại, Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể để tổ chức thực hiện. Chúng ta cần hiểu đề án không có nghĩa là quy hoạch diện tích, địa điểm cụ thể và giao chỉ tiêu cho các tỉnh.
Trên cơ sở xây dựng các tiêu chí cơ bản về vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã để xác định diện tích triển khai cụ thể tại các vùng sản xuất đã được quy hoạch đất sản xuất lúa. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thực hiện đề án.
Đây là vấn đề khó đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm cao của các bên tham gia thì mới có thể thực hiện thành công. Nhưng, đây cũng là con đường tất yếu của ngành hàng lúa gạo khi thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bích Hồng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/vung-chuyen-canh-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-khong-chi-la-van-de-giong-20220912174610730.htm