Từ một HTX sản xuất nông nghiệp với nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư, ứng dụng kỹ thuật… Nhưng với nỗ lực không ngừng, đến nay HTX Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã dần lớn mạnh, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chuỗi cung ứng gạo sạch.
Đi lên từ gian khó
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, anh Trầm Minh Thuần đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, sau đó trở về quê ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) thành lập HTX Long Hiệp, với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Năm 2018, HTX đi vào hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn do ban đầu bà con chưa tin tưởng mô hình này. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cùng các tổ chức đoàn thể hỗ trợ vận động, đưa ra hướng phát triển… dần dần được bà con tham gia. Những ngày đầu thành lập HTX, nguồn vốn đầu tư còn yếu khiến việc xoay vòng vốn vất vả, thế là HĐQT của HTX phải chung sức để cùng nhau vượt khó.
Lúc đầu HTX có 61 thành viên, diện tích canh tác khoảng 50ha, đến nay đã mở rộng lên đến 120ha với 72 thành viên, chuyên canh tác các giống lúa OM 18, OM 5451, ST24, ST25… Nhằm thích ứng với điều kiện địa phương, HTX tập trung sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh.
Theo đó, tại cánh đồng lớn ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú), nơi ít bị nhiễm mặn, HTX chủ yếu trồng lúa bình thường. Còn vùng thứ hai, diện tích khoảng 20ha tại xã Đôn Xuân (huyện Duyên Hải), nơi bị nhiễm mặn, mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ lúa hữu cơ, kết hợp nuôi tôm càng xanh.
“Trồng lúa hữu cơ cho năng suất thấp hơn so với sản xuất lúa bình thường, nhưng được nhiều nông dân vùng nhiễm mặn ứng dụng, bởi không dùng thuốc hóa học nên không ảnh hưởng đến nuôi tôm càng xanh. Ngoài ra, sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình, HTX sẽ bao tiêu theo giá thị trường và được cộng thêm 500 đồng/kg”, anh Thuần chia sẻ.
Giảm chi phí, tăng năng suất
Theo anh Thuần, tới đây HTX tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng gạo sạch. Việc mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ không chỉ giúp HTX phát triển, mà còn hạn chế tình trạng nông dân bị thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, HTX không ngừng nâng cao giá trị chuỗi sản xuất gạo sạch tại vùng nhiễm mặn với sản phẩm gạo sạch đặc trưng, hương vị đậm đà. Để làm được điều đó, HTX chủ động đầu tư lúa giống, cung cấp phân thuốc vi sinh để bà con sản xuất theo quy trình kỹ thuật.
Cách làm này giúp các thành viên HTX giảm chi phí đầu tư, năng suất tăng thêm từ 10-20%. Đặc biệt, khi thu hoạch, HTX thu mua giá cao, nông dân phấn khởi. Hiện, lúa hữu cơ có giá dao động khoảng 7.500 đồng/kg, được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Để HTX phát triển bền vững, diện tích sản xuất mở rộng theo từng năm gắn với phát triển thêm thị trường tiêu thụ giúp bà con an tâm. Nhờ vậy, lợi nhuận của HTX đều tăng theo từng năm, chỉ tính riêng trong năm 2021 doanh số đạt 3,2 tỷ đồng, thu lợi hàng trăm triệu đồng”, anh Thuần nói.
Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, anh Trầm Minh Thuần vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, anh Thuần còn lọt vào top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2021; là 1 trong 56 thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, mô hình của HTX Long Hiệp hoạt động hiệu quả cao, được các ngành chức năng đánh giá cao. Từ hiệu quả này, tỉnh đang tiếp tục nhân rộng và phát triển nhiều mô hình tương tự trên địa bàn.
https://thegioitiepthi.vn/thu-loi-hang-tram-trieu-dong-tu-san-xuat-gao-sach-20220320131516998.htm