Thích ứng an toàn, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế trong tình hình mới là mục tiêu mà quận Thốt Nốt tập trung thực hiện trong năm 2022. Qua đó, quý I năm 2022, hoạt động kinh tế – xã hội (KT-XH) của quận Thốt Nốt phát triển ổn định…
Bước đầu hồi phục
Theo UBND quận Thốt Nốt, ngay từ đầu năm 2022, địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn đã giúp ngành công nghiệp – xây dựng của quận dần dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của UBND thành phố. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thuộc lĩnh vực trên tăng so với cùng kỳ. Ðó là nhờ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Quý I năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận Thốt Nốt đã khôi phục trở lại, nhất là đối với một số ngành như xay xát, chế biến nông, thủy sản và thực phẩm vẫn duy trì đà phát triển ổn định. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ mới góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nhiều (có 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp) và đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, uy tín lớn trong ngành, kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của địa phương”.
Quý I năm 2022, Thốt Nốt phát triển mới 14 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, nâng tổng số cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này đến nay là 1.350 cơ sở (trong đó có 144 doanh nghiệp), thu hút và giải quyết được việc làm cho 16.686 lao động tại địa phương, khu vực lân cận. Trong đó, xay xát và chế biến gạo là ngành hoạt động hiệu quả cao trong 3 tháng đầu năm, với sản lượng xay xát ước đạt 345.000 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Riêng ngành lau bóng gạo ước đạt 470.000 tấn, tăng 5,15% so cùng kỳ. Ngành chế biến thủy sản với sản lượng cá nguyên liệu chế biến đông lạnh trong quý I ước đạt 52.700 tấn, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm 2021… Qua đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng của quận trong quý I năm 2022 ước được 9.706,92 tỉ đồng, đạt 28,2% so với kế hoạch năm, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lĩnh vực thương mại – dịch vụ cũng được UBND quận Thốt Nốt tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phát triển, đầu tư kinh doanh. Trong 3 tháng đầu năm, Thốt Nốt phát triển mới 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại phường Trung Kiên, nâng tổng số 7 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn; siêu thị Co.opmart Thốt Nốt đa dạng sản phẩm kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong quý I năm 2022, Thốt Nốt phát triển mới 26 hộ cá thể, 12 doanh nghiệp kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, nâng tổng số cơ sở hoạt động thương mại – dịch vụ là 5.683 cơ sở (trong đó có 293 doanh nghiệp), thu hút được khoảng 15.000 lao động. Nhìn chung, hoạt động thương mại – dịch vụ của quận đã phục hồi trở lại hoàn toàn và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình hoạt động. Nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu dồi dào, đảm bảo nhu cầu cho người dân mua sắm và tiêu dùng… Qua đó, giá trị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn trong quý I được 4.546,63 tỉ đồng, đạt 33,4% so với kế hoạch năm, tăng 5,17% so với cùng kỳ 2021.
Hỗ trợ phát triển
Triển khai Quyết định 3032/QÐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030, những tháng đầu năm 2022, quận Thốt Nốt thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, sản xuất thích ứng an toàn dịch bệnh COVID-19. Qua đó, quận Thốt Nốt có 14 doanh nghiệp tham gia chương trình và có 8 doanh nghiệp đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ (hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện) với số tiền trên 1,7 tỉ đồng; 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (đăng ký nhãn hiệu); 5 cơ sở, doanh nghiệp tham gia xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng kinh phí hỗ trợ 166,5 triệu đồng… Các hoạt động trên góp phần nâng cao giá trị sản xuất của doanh nghiệp, phát triển KT-XH tại địa phương.
Hiện tại các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn về chi phí nguyên liệu phục vụ sản xuất, xăng dầu, điện, vận chuyển… tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, làm giảm hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Ðồng thời, việc phát sinh thêm các chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp giảm đơn hàng do thiếu hụt lao động nên doanh thu giảm. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ tuy có phục hồi, sức mua tăng nhưng vẫn bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút nên người dân chủ yếu chi tiêu mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Công tác mời gọi đầu tư, khai thác các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn do các chợ thuộc đất công nên còn vướng thủ tục đầu tư, gây khó khăn và chậm trễ tiến độ cho các nhà đầu tư…
Ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, nhấn mạnh: Quý II-2022, quận Thốt Nốt tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai các chính sách của Trung ương và UBND thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ðặc biệt tiếp tục tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra về phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị, các cửa hàng Bách Hóa Xanh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài quận tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn, nhất là tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh xăng dầu và chợ vào đầu tư khai thác trên địa bàn theo đúng quy hoạch mà thành phố phê duyệt…
Bài, ảnh: HÀ VĂN