Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, thời gian qua, vùng ĐBSCL có tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng hơn trước, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.
Theo đó, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2021- 2022 có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình, nếp sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nguyên nhân tăng là do trong gần 1 năm trở lại đây giá lúa gạo thơm và gạo chất lượng cao ổn định, bán được giá, trong khi đó giá nếp giảm thấp, có thời điểm bằng giống IR 50404 và chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận giảm sâu.
Cụ thể, cơ cấu vụ Đông Xuân 2021- 2022, 49,64% nhóm lúa chất lượng cao (OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577…); trên 33% nhóm lúa thơm, đặc sản (Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9,…), tăng trên 11% so với Đông Xuân 2020- 2021; 7,12% nhóm lúa chất lượng trung bình (IR50404, OM576, OC10,…); trên 8,9% nhóm nếp, giảm trên 4% so với cùng kỳ năm trước.
TRÀ MY
http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202203/dbscl-su-dung-giong-lua-chat-luong-cao-tren-496-3109554/#.YkawfuhBzIV