Theo báo PhilStar, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban cho biết đã nhận được báo giá thấp hơn từ 30 USD đến 40 USD mỗi tấn từ các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sau cuộc đàm phán mới nhất.
Bên cạnh đó, Philippines đang đàm phán với Ấn Độ để mua thêm gạo. Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ cuối tháng 7.
Phía Philippines muốn Ấn Độ xuất khẩu gạo trên cơ sở nhân đạo. Điều này sẽ cho phép Philippines nhập khẩu thêm 300.000 tấn đến 500.000 tấn gạo trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cho hay nước này cần mua thêm gạo Việt Nam và Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá trong nước. Việc nhập khẩu gạo từ hai nước sẽ giúp giảm giá vì tăng dự trữ quốc gia. Ngay cả khi không nhập khẩu, Philippines vẫn có đủ gạo dùng trong 52 đến 57 ngày vào cuối năm.
Philippines là một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới, nhưng nước này thường mua gạo từ các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan và Việt Nam để bù đắp thiệt hại sản xuất do các cơn bão gây ra.
Theo báo Điện tử Chính phủ Việt Nam, Philippines là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu. Quý 1/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Chặn đầu cơ đẩy giá lúa gạo tăng bất hợp lý, sẽ kiểm tra các cơ sở kinh doanh
Bộ Công Thương chỉ đạo cấp bách trong bối cảnh thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng
Theo đó, Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán.
Mục tiêu ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định.
Cục Xuất nhập khẩu khẩn trương hoàn thiện sửa đổi Nghị định số 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa để có tham mưu đề xuất công tác điều hành.
Tổng hợp thông tin từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về tình hình thế giới, các động thái cơ chế chính sách của các nước sản xuất, xuất khẩu gạo, có báo cáo kịp thời các cấp, thông tin tới các thương nhân để chủ động điều tiết hoạt động.
Các đơn vị khác tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường; bố trí kinh phí cho xúc tiến thương mại gạo, phù hợp với tín hiệu thị trường, khai thác lợi thế từ các FTA;
Nắm bắt và hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, thực hiện nghiêm quy định của Nghị định 107 như báo cáo định kỳ, thua mua thóc, gạo và duy trì dự trữ lưu thông…
Triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo.
Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, quảng bá xúc tiến mở cửa thị trường
Với Vụ thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo, góp phần bình ổn giá gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Các địa phương rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo, đôn đốc doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn có phương án nguồn hàng, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.
Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân theo dõi sát tình hình thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, chủ động đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại, theo dõi động thái các nước để có phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, tích cực tham gia bình ổn thị trường.