Với sự vào cuộc của Dự án VnSAT, giờ đây nông dân ĐBSCL đã ý thức được phải sản xuất ra cái thị trường mong muốn, thay vì sản xuất theo cái mình muốn.
Gần 7 năm nay, hàng ngàn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL rất phấn khởi cuộc “cách mạng” lớn mang tên VnSAT(Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Dự án đã giúp nông dân thay đổi lớn trong tập quán sản xuất lúa, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Từ đó, đã giúp nông dân ĐBSCL mạnh dạn và chủ động làm ăn liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng như: Giảm phân bón, thuốc BVTV, giống và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, góp phần tăng lợi nhuận từ 20 – 30% so với canh tác theo truyền thống trước đây.
An Giang là tỉnh sản xuất lúa gạo lớn nhất nhì ở ĐBSCL, mỗi năm cho ra sản lượng lúa khoảng 4,2 triệu tấn. Về năng suất lúa, An Giang luôn đi đầu ở ĐBSCL nhờ nhiều năm qua đã tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, đặc biệt trong đó có sự hỗ trợ của Dự án VnSAT.
Những ngày giữa tháng 3, nông dân An Giang đang bước vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân 2021 – 2022.
Ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang) dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng của HTX đã được Dự án VnSAT chọn đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố để phục vụ sản xuất lúa. Các kênh đầu ruộng đều có các hệ thống cống máng đã được kiên cố hóa, bơm tưới bằng điện, đường nội đồng đổ bê tông rợp bóng cây, biến cánh đồng lúa bạt ngàn đẹp chẳng thua kém gì khu du lịch sinh thái.
Ông Lê Văn Chính vui mừng chia sẻ, vụ lúa đông xuân năm nay, HTX đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu giống Đài Thơm 8, OM5451, IR50404, OM3830, Lộc Trời… với diện tích khoảng 200 ha, sản lượng hàng ngàn tấn. Đặc biệt, nông dân trong HTX có hơn 80% trong tiểu vùng áp dụng thành công kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”, nhất là khâu giảm giống gieo sạ (từ 300 kg/ha giảm còn 100 – 120 kg/ha). Nhờ chất lượng lúa được nâng cao, giá lúa đã tăng từ 6.400 đồng/kg tăng lên 6.800 đồng/kg đối với lúa Nhật và 4.900 đồng/kg tăng lên 6.000 đ/kg đối với lúa thường.
Trong vụ đông xuân 2020 – 2021, Dự án VnSAT còn đầu tư cho xã Mỹ Phú Đông nâng cấp, sửa chữa mặt đê bao bảo vệ vùng sản xuất lúa kết hợp giao thông nội đồng bờ bắc kênh Mỹ Giang với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng.
Trước đây, trong canh tác bà con thường sử dụng lượng giống gieo sạ lên tới 300kg giống/ha nên sâu bệnh xuất hiện nhiều do mật số sạ quá dày, chi phí phân bón, thuốc BVTV theo đó cũng tăng cao. Mặc dù trước đây, một số hộ là thành viên của tổ hợp tác sản xuất lúa đã được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kỹ thuật nhưng khâu vận chuyển, nhất là giao thông đường bộ gặp rất nhiều khó khăn, tất cả phải phụ thuộc vào đường thủy.
Trong khi đó, đặc thù của ngành hàng lúa gạo là phải được vận chuyển nhanh nhất khi thu hoạch xong về khó sấy, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo, không đạt chuẩn xuất khẩu. Vì lý do đó mà khi đến đợt thu hoạch rộ, thường không đủ phương tiện chuyên chở (chủ yếu là ghe).
Gần 4 năm nay, nhờ Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư cho HTX về đường giao thông, nên đã rất thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa về kho trong thời gian nhanh nhất.
Nông dân Nguyễn Văn Hai, thành viên HTX Nông nghiệp Tân Đông cho biết: “Tôi từ thị trấn Núi Sập vào đây canh tác và sinh sống từ năm 1984 đến nay. Niềm mơ ước là có con đường sạch sẽ, khô ráo để học sinh có thể đi học và nông dân trong vùng vận chuyển lúa. Ước mơ ấp ủ bao lâu đã được Dự án VnSAT thực hiện. Với sự hướng dẫn của Dự án VnSAT, hiện nay, tôi và bà con trong HTX cũng đã áp dụng gieo sạ thưa, giúp giảm giống chỉ còn 100 kg/ha, lúa rất ít bị sâu bệnh, cuối vụ thu hoạch năng suất ổn định và bán giá cao”.
“Trước đây chưa có Dự án VnSAT, nông dân sản xuất lúa chỉ đủ ăn, chưa thể làm giàu vì còn mang nặng cách làm truyền thống nên chi phí ăn hết. Giờ làm lúa khỏe re, thu nhập lại cao. Nhờ Dự án VnSAT tập huấn, nông dân đã ý thức được phải biết ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới và sản xuất, sản xuất ra sản phẩm lúa gạo theo cái mà người ta cần, chứ không chạy đua sản xuất theo cái mình có. Như vậy mới tăng giá trị sản phẩm” ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Đông hồ hởi nói.
VnSAT làm cầu nối tiêu thụ lúa
Để thực hiện được liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, mấu chốt phải có doanh nghiệp tham gia. Do đó, Dự án VnSAT An Giang và Sở NN-PTNT đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao. Sau đó, hỗ trợ tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở cấp huyện, xã và cộng đồng để doanh nghiệp tiếp cận chính quyền địa phương, HTX/tổ hợp tác và nông dân. Doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng sẽ được nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng Ban Quản lý Dự án VnSAT luôn đẩy mạnh tập huấn và làm điểm trình diễn nhiều mô hình trồng lúa theo VietGAP, SRP và mở nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực nông dân, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Điển hình là liên kết giữa Công ty TNHH Tấn Vương và HTX Tân Lập, huyện Tịnh Biên, ban đầu chỉ hợp đồng 100 ha ở vụ đông xuân 2017 – 2018, sau đó diện tích tăng lên từng vụ, đến năm 2021 đạt 1.500 ha/vụ.
Theo ông Lâm, việc thực hiện tốt các mô hình liên kết ban đầu đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn triển khai Dự án VnSAT. Diện tích liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa HTX/tổ hợp tác và doanh nghiệp theo hợp đồng tăng lên theo từng vụ. Diện tích hợp đồng sản xuất cao nhất là vụ đông xuân 2019 – 2020 với 6.037 ha, đạt 107% mục tiêu được giao. Có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết ổn định như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Tấn Vương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Gentraco…
Tại Đồng Tháp, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo thông qua Dự án VnSAT đã kết nối khá thuận lợi. Điển hình như mô hình “Ruộng nhà mình” được triển khai tại HTX Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh và HTX Tiến Cường, huyện Tam Nông trong vùng Dự án VnSAT.
Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn – tối ưu giá. Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói; Công ty Cổ phần Chuỗi giá trị Nông sản thực phẩm Việt là đơn vị sở hữu thương hiệu “Ruộng nhà mình”, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị khác là Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt.
Đến nay, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã liên kết tiêu thụ với 2 HTX được 92 ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.
LÊ HOÀNG VŨ – VĂN VŨ
https://nongnghiep.vn/nong-dan-tiep-can-tu-duy-moi-trong-canh-tac-lua-d318888.html