Hà Tĩnh – Giá phân bón như đạm, lân tăng cao khiến nông dân tăng thêm chi phí đầu tư, trong khi làm ruộng vất vả, chân lấm tay bùn nhưng thu nhập thấp, chỉ lấy công làm lãi.
Chiều 2.3, trên cánh đồng Lày, xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh, chị Trần Thị Thái (29 tuổi, trú thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn) đang bón đạm cho lúa.
Chị Thái than thở: “Làm ruộng giờ phân bón đắt đỏ quá, cộng với các chi phí khác thì có còn gì nữa đâu. Chỉ lấy công làm lãi thôi”.
Nói rồi chị Thái liệt kê, như chị làm 1,3 sào ruộng (500m2/sào) chi phí tiền giống hết 150 ngàn đồng, tiền thuê máy cày hết 230 ngàn đồng, tiền lân, đạm, thuốc sâu, thuốc cỏ hết 450 – 500 ngàn đồng.
Chị Thái còn chia sẻ, vợ chồng chị làm lao động tự do nhưng cũng chỉ làm 1,3 sào ruộng để chủ động lương thực thôi, chứ nếu có thêm ruộng cũng chẳng làm nữa vì chẳng lời lãi gì.
Ở ruộng bên cạnh, ông Nguyễn Xuân Năm (65 tuổi) đang bắt ốc bươu phá hại lúa, còn vợ là bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi) đang đi dặm bổ sung lại những vũng lúa cấy trước đó bị ngập nước chết.
“Làm ruộng giờ đạm, lân đắt đỏ quá chú ơi. Trước đây, một yến (10kg) đạm 100 ngàn đến trăm mốt ngàn. Giờ yến đạm gần 200 ngàn, đắt gấp đôi trước rồi. Còn lân thì tăng gấp rưỡi. Trước một bao 25 cân (kg) là 120 ngàn, giờ lên hơn 180 ngàn đồng” – bà Thanh than vãn.
Tiếp lời vợ, ông Năm cho hay, gia đình hiện đang làm 8 sào ruộng, tính ra cũng chỉ lấy công làm lãi. Nhưng không thể bỏ ruộng vì làm để lấy lúa tích trữ làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt.
Bà Trần Thị Liên (65 tuổi, trú thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng than phiền làm ruộng giờ chi phí nhiều, nhất là từ cuối năm ngoái đến nay, giá đạm, lân tăng cao kỉ lục.
“Nhà tôi làm 7 sào. Hôm kia mới đi mua 1 bao đạm Phú Mỹ loại 50kg hết gần 1 triệu đồng. Làm ruộng giờ tính ra chẳng lời lãi gì, chưa kể có những vụ sâu bệnh, trổ bông gặp mưa bão thì mất mùa là thua lỗ luôn. Vậy nhưng là nông dân không có nghề gì khác thì cũng đành chấp nhận phải đeo bám ruộng thôi” – bà Liên chia sẻ.
Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cũng khẳng định, đúng là so với năm ngoái thì năm nay giá phân bón tăng gần gấp đôi. Điều đó tăng thêm chi phí đầu tư nên nông dân than phiền, thu nhập từ làm ruộng đã thấp, nay còn thấp hơn.
“Nguyên nhân phân bón đắt như tôi được biết thì do sản xuất trong nước không đủ mà phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc nhập khẩu, vận chuyển bị ảnh hưởng. Từ đó giá cao lên. Chúng tôi mong muốn giá phân bón sớm hạ xuống thấp hơn để nông dân bớt chi phí, bớt khó khăn” – ông Hà chia sẻ.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ đông xuân này, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy 59.500 ha lúa. Thời điểm này, thời tiết âm u nên dễ phát sinh bệnh đạo ôn. Bởi vậy, người dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phun thuốc phòng, trừ sớm.
TRẦN TUẤN