Tìm khắp cánh đồng tại xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội hiếm khi thấy vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, thya vào đó là màu vàng óng của cánh đồng lúa.
Đến với cánh đồng lúa tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Tân, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ngoài hình ảnh những bông lúa nặng trĩu hứa hẹn cho năng suất cao, có thể dễ dàng nhận ra cánh đồng ở đây không xuất hiện vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Tân, chúng tôi được biết, cánh đồng của HTX được bà con áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) được 6 năm.
“Nhờ thực hiện đồng bộ các khâu trong quy trình canh tác lúa cải tiến như: chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non/thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối,… lượng sâu bệnh hại trên đồng ruộng gần như không còn. Trước kia, cứ đến kỳ sâu bệnh là chúng tôi phải phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn kém chi phí và nhân công, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe con người”, anh Chiến chia sẻ.
Nhiều năm nay, toàn HTX đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết bà con thâm canh toàn bộ bằng phân hữu cơ, phân chuồng hoặc phân lân. Theo đánh giá của HTX, việc áp dụng SRI giúp bà con xã viên giảm chi phí đầu vào từ 100.000 – 170.000 đồng/sào so với phương thức truyền thống.
Đại diện HTX Phú Tân cho biết thêm, khi tổ chức bón lót, HTX khuyến cáo bà con bón từ 1,5 – 2 kg/sào đối với phân đạm, còn bón thúc đẻ nhánh cho lúa khuyến cáo bà con bón từ 2,5-3 kg/sào, giảm rất nhiều so với thâm canh truyền thống.
Nhớ lại thời gian thuyết phục, vận động bà con canh tác theo phương thức SRI nhiều năm trước, anh Chiến cùng bà con xã viên càng thấy trân trọng thành quả ngày hôm nay hơn. Trong thời gian đầu phổ biến SRI, bà con thấy quy trình gieo cấy thấy rất thưa, chỉ 35 khóm/m2, nhiều người nói cấy như thế này lấy gì mà thu hoạch. Nhưng sau hai vụ, sang vụ thứ ba trở đi bà con hưởng ứng rất đồng tình nhờ đem tới hiệu quả rõ rệt về giảm về giống, tỷ lệ hạt trên bông cao.
“Nhìn cánh đồng lúa không có vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật nào, tôi càng tự hào về công sức mình đã bỏ ra trong quá khứ”, anh Chiến nói.
Trước đây, khi không áp dụng mô hình SRI, bà con phải gieo 1-1,5kg/sào với mật độ cấy 50-60 khóm/m2, nhưng sau khi áp dụng SRI chỉ tốn từ 0,5-0,8 kg/sào cũng như chỉ 25 khóm/m2. Qua đó, giảm rất nhiều công lao động, nhất tại khu vực làng nghề như xã Tân Dân luôn có giá nhân công rất cao.
“Nếu không áp dụng SRI, chúng tôi khả năng cũng bỏ ruộng vì giá vật tư đầu vào quá cao cộng với giá nhân công lớn”, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Tân chia sẻ thêm.
Về việc triển khai SRI trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Phòng Bảo vệ thực vật – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai 6 mô hình áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến và tổ chức thêm 16 lớp tập huấn SRI cho nông dân tại 16 huyện trên địa bàn Thủ đô. Ông Trung cho hay, các loại sâu bệnh gần như không xuất hiện, do cấy thưa nên cây lúa được quang hợp tốt hơn, giảm nguy cơ nhiễm các loại sâu bệnh như rầy, sâu cuốn lá, khô vằn, đạo ôn…, chỉ có một số ít ốc bươu vàng và chuột hại trên mật độ rất thấp. Đặc biệt, từ đầu vụ đến thời điểm hiện nay, bà con hầu như ít phải phun thuốc bảo vệ thực vật.
Với hiệu quả về kinh tế, môi trường mà canh tác SRI mang lại, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổng thể, dài hơi để triển khai SRI đồng bộ trên toàn bộ địa bàn Thủ đô.
Quang Linh
https://nongnghiep.vn/nhung-canh-dong-khong-bao-goi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-d333912.html