Các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần tỉnh Kiên Giang (và có thể ở một số địa phương khác) sẽ trở thành những địa phương thí điểm cho Đề án Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Đây là đề án mới nhất về phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ý tưởng làm nên đề án này xuất phát từ thực tế nhiều năm qua Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất, nhì thế giới về sản lượng, nhưng lại chưa cao về giá trị và cả thương hiệu (thương hiệu doanh nghiệp – thương hiệu quốc gia về sản phẩm lúa gạo). Với những phân khúc trung – cao cấp của thị trường này, lúa gạo Việt Nam vẫn “nhường sân” cho gạo Thái Lan.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao do Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khởi xướng và nhận được nhiều quan tâm từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, nông dân. Về mục tiêu, không ai có thể phủ nhận việc hướng đến một nền sản xuất lúa gạo chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và mang tính bền vững là mong uớc của mọi doanh nghiệp, mọi nông dân.
Tuy nhiên, làm được mục tiêu này không phải dễ. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, cả cấp trung ương lẫn các địa phương đều đã đau đáu với mục tiêu này. Các cánh đồng lớn ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực ra cũng nhắm đến mục tiêu này. Hơn 10 năm trước, Bộ NN-PTNT đã đưa ra đề án sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng không thành công do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu là do chưa có quyết tâm thực hiện nên chưa có các bệ đỡ hiệu quả về chính sách, về truyền thông, về hỗ trợ nông dân – doanh nghiệp theo đuổi đến cùng.
Góp ý cho chương trình “1 triệu ha” này, trên nhiều tờ báo, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng vấn đề quan trọng cốt lõi nhất cần phải xác định là thị trường đầu ra cho gạo chất lượng cao. Theo đó, cũng như nhiều chương trình khác tương tự nhằm khuyến khích nông dân nuôi trồng sản phẩm sạch, nếu trồng lúa chất lượng cao mà giá bán không cao hơn so với loại bình thường thì nông dân sẽ không tham gia. Hoặc giá cao hơn được một vài vụ rồi đâu lại vào đấy, nông dân sẽ bỏ cuộc trong một sớm một chiều. Và do đó, đề án cần làm rõ nội hàm “chất lượng cao” là những yếu tố nào, ví dụ như: sạch, an toàn, không chứa chất cấm, phù hợp với từng thị trường đặc thù về khẩu vị và hình thức. Cụ thể như lúa gạo chất lượng cao bán trong nước thì cần tiêu chí nào, xuất đi Mỹ thì cần gì, đi châu Âu hay Nhật thì cần gì… Từ đó mới xác định được “đường đi nước bước” và có những chính sách trợ lực hiệu quả cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân – những đối tượng chính được xem là động lực của đề án nhiều ý nghĩa này.
Vi Lâm