Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là công tác lai tạo các bộ giống lúa khá đa dạng, phù hợp với từng vùng sản xuất và nhu cầu cung ứng gạo xuất khẩu… góp phần không nhỏ, giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong sản xuất lúa ở Trà Vinh, cơ cấu giống lúa chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu đã được nông dân và các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đưa vào sản xuất và diện tích tăng dần hàng năm; như giống Đài thơm 8, ST24, ST25, OM5451, OM18, OM4900…
Trong vụ lúa thu – đông năm 2022, cơ cấu giống lúa có năng suất và chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường, với các đặc tính như cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh và hạn mặn tốt như: OM18, OM4900, OM5451, Đài Thơm 8, ST5, ST20, ST25… được nông dân đưa vào sản xuất chiếm tỷ lệ rất cao.
Ông Lê Phúc Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: đơn vị đã bắt đầu sản xuất giống ST24 từ năm 2017 đến năm 2019, sau đó chuyển sang giống ST25 từ vài chục héc-ta, nay đã tăng lên hàng trăm héc-ta. Đây là giống có giá trị kinh tế cao và được HTX liên kết với nông dân sản xuất trong vụ lúa thu – đông 2022 trên diện tích gần 900ha ở các xã Ngọc Biên, Tân Hiệp, Long Hiệp, huyện Trà Cú; Đôn Xuân, huyện Duyên Hải và Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang. Nguồn lúa được HTX tiêu thụ chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và các chợ trung tâm, nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa giống ST25 có giá thu mua cao hơn các giống lúa khác từ 1.000 – 2.000 đồng/kg (tùy thời điểm).
Theo đồng chí Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh): hiện nay, một số giống lúa như IR50404, ML202 (còn gọi là lúa gà hay lúa hạt tròn), tỷ lệ giống này giảm rất nhiều. Trước đây, nhiều địa phương sản xuất giống này có diện tích canh tác chiếm trên 30%, do giá lúa ML202, IR50404 phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa. Từ năm 2020 đến nay, khuynh hướng trong sản xuất lúa với các giống lúa chất lượng cao, thơm nhẹ và xuất khẩu đang chiếm ưu thế.
Trong vụ lúa đông – xuân 2022 – 2023, kế hoạch sản xuất của tỉnh là 51.734ha. Trong đó, Càng Long 9.800ha, Cầu Kè 7.599ha, Tiểu Cần 10.570ha, Châu Thành 11.965ha, Trà Cú 11.200ha và thành phố Trà Vinh 600ha.
Khung thời vụ xuống giống lúa chung cho toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 04/11 đến ngày 30/12/2022, tập trung vào 02 đợt chính (đợt 1: từ ngày 04 – 25/11/2022: diện tích 13.518ha, gồm các huyện: Càng Long 5.450ha, Cầu Kè 1.440ha, Tiểu Cần 1.543ha, Châu Thành 885ha, Trà Cú 4.200ha. Đợt 2: từ ngày 05 – 30/12/2022, diện tích 38.216ha, gồm các huyện: Càng Long 4.350ha, Cầu Kè 6.159ha, Tiểu Cần 9.027ha, Châu Thành 11.080ha, Trà Cú 7.000ha…).
Cơ cấu giống lúa gồm nhóm giống lúa chủ lực: OM5451, OM18, OM4900, Đài Thơm 8; nhóm giống lúa bổ sung: OM429, RVT, ST5, ST20, ST24, ST25; nhóm giống lúa chất lượng trung bình: IR50404, ML202…
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành) cho biết: vụ lúa thu – đông năm 2022, HTX có 40ha sản xuất lúa giống và 150ha lúa của các thành viên sản xuất lúa thương phẩm. Với các giống lúa có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu, được các doanh nghiệp đặt hàng với HTX sản xuất như giống Đài thơm 8 và OM5451 có thời gian sinh trưởng 105 ngày và đặc tính là thơm nhẹ. Sản xuất theo nhu cầu thị trường sẽ giúp cho HTX gia tăng được lợi nhuận cho thành viên khi sản phẩm được liên kết tiêu thụ từ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), từ vụ lúa năm 2021, HTX nông nghiệp Phát Tài đã triển khai đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất, qua đó, giúp nông dân tiết kiệm trên 20% chi phí phân bón hóa học, nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa từ bằng đến cao hơn diện tích bên ngoài.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, với sản xuất giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu (Đài thơm 8 và OM5451), chi phí sản xuất trong HTX khoảng 21 – 22 triệu đồng/ha, còn ngoài HTX là 25 triệu đồng/ha. Việc đưa chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa sẽ giúp cây lúa hạn chế bệnh thối rễ, hạ phèn, ít sâu bệnh… từ đó, làm giảm chi phí chăm sóc và sử dụng phân bón hóa học.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ