“Làm sao chúng tôi có thể nuôi sống 1,4 tỷ dân đây?”, Phó trưởng ban chính sách kinh tế Xu Hong Cai ngậm ngùi.
Trước đó, Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) đã cảnh báo về một nạn đói toàn cầu có thể diễn ra do chuỗi cung ứng nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.
Xin được nhắc là Nga và Ukraine chiếm đến hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương và 30% lúa mỳ thế giới. Đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng phân bón, vốn là nguyên liệu cần thiết cho nông nghiệp được sản xuất chính từ khí đốt.
Theo SCMP, Trung Quốc đáng ra có thể tự cung tự cấp được các lương thực chủ chốt như lúa mỳ và lúa gạo nhưng lại gặp vấn đề về phân bón. Hơn một nửa số phân bón Kali (Potash), nguyên liệu chính cho trồng trọt, của Trung Quốc là nhập khẩu.
Hiện tại, Nga đã ngừng xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo an ninh nông nghiệp trong khi Lithuania và Ukraine đã cấm vận chuyển phân bón từ Belarus qua cảng biển của họ. Vào ngày 12/3/2022, Ukraine cũng đã chính thức cấm xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.
“Tình hình này sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Nếu giao dịch phân bón và ngũ cốc bị gián đoạn thì làm sao chúng tôi có thể thực hiện vụ mùa tới một cách bình thường được? Làm sao chúng tôi có thể nuôi sống 1,4 tỷ dân đây? Hiện có quá nhiều thách thức phía trước”, Phó trưởng ban chính sách kinh tế Xu Hong Cai thừa nhận.
Tờ Farmers’Daily, nhật báo chính thức của Bộ nông nghiệp Trung Quốc thậm chí cảnh báo bất ổn địa chính trị hiện nay sẽ đẩy giá phân bón lên cao, qua đó gia tăng chi phí nông nghiệp và tác động xấu đến chuỗi cung ứng lương thực.
Nuôi 1,4 tỷ dân nhờ phân bón
Trên thực tế, Trung Quốc đã cố gắng đảm bảo an ninh lương thực từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ và đại dịch diễn ra. Nhiệm vụ đảm bảo tự cung tự cấp những nhu yếu phẩm chính cùng nguyên liệu cho nông nghiệp như phân bón được trọng điểm quan tâm trong báo cáo thường niên của Quốc hội năm nay.
Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu đến 57,5% phân Kali trong năm 2021, cao hơn 55,9% của năm trước đó. Vào tháng 7/2020, Trung Quốc đã phải xây dựng kho dự trữ phân bón chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung phân Kali cũng như phòng chống được tác động của thiên tai, chiến tranh đến chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Năm 2021, Trung Quốc đã ra lệnh siết chặt xuất khẩu phân bón, đồng thời loại bỏ các nhà máy sản xuất phân bón khỏi danh sách những công ty bị hạn chế vì tiêu thụ nhiều điện, qua đó đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm này không bị gián đoạn vì thiếu năng lượng.
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc đã giảm 27,8%. Điều trớ trêu là dù lượng nhập khẩu phân bón bị giảm 2,2% do đứt gãy nguồn cung nhưng tổng kim ngạch lại tăng 60,1%, qua đó cho thấy tốc độ tăng giá của sản phẩm này trên thị trường quốc tế.
Giá phân Kali trên toàn cầu đã bắt đầu tăng mạnh từ năm 2021 khi Phương Tây áp đặt lệnh cấm vận với Belarus. Tại Trung Quốc, giá phân Kali thậm chí đạt mức cao kỷ lục 4.930 Nhân dân tệ (770 USD)/tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ít đất canh tác
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Trung Quốc chiếm đến 1/6 tổng dân số toàn cầu nhưng khả năng đảm bảo an ninh lương thực của nước này khá yếu, nhất là sau cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như hậu đại dịch Covid-19.
Trong Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc ngày 6/3/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nước này cần ổn định sản lượng lương thực và ngô, đồng thời mở rộng sản lượng đậu tương cùng nhiều loại hạt có dầu khác nhằm đảm bảo “bát cơm của người dân chứa đầy lương thực của Trung Quốc”.
Hiện Trung Quốc chỉ đứng thứ 34/113 trong bảng xếp hạng An ninh lương thực toàn cầu (Global Food Security Index).
Tính đến cuối năm 2019, số đất canh tác khả dụng của Trung Quốc đã giảm 6% so với 10 năm trước xuống chỉ còn 1,28 triệu km2. Con số này chỉ bằng 13% tổng diện tích của toàn quốc, đó là chưa kể sẽ còn giảm tiếp do tốc độ đô thị hóa nhanh và ô nhiễm môi trường nặng.
Tồi tệ hơn, sự thay đổi khí hậu hiện nay đang làm xói mòn sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc. Trận mưa lũ tháng 7/2021 đã khiến 971.000 ha đất canh tác tại tỉnh Henan bị ngập trong nước. Đây là một thảm họa bởi khu vực này chiếm đến 1/3 sản lượng cung ứng lúa mạch cùng 1/10 sản lượng ngô, rau xanh và thịt lợn.
Theo dự báo của chính quyền nhiều địa phương, do thời tiết khắc nghiệt hơn nên sản lượng ngô và rau xanh sẽ giảm ít nhất 30%.
*Nguồn: SCMP
Huyền Băng (Theo Doanh nghiệp và Tiếp thịCopy link)