PHÚ YÊN Lúa giai đoạn làm đòng chuẩn bị trỗ, cần tiến hành phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng kali cao để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trỗ nhanh.
Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên cho biết: Để hạn chế, khắc phục thiệt hại cây trồng sau ngập úng do đợt mưa trái mùa gây ra, ngành nông nghiệp Phú Yên đã có văn bản hướng dẫn một số giải pháp hạn chế, khắc phục thiệt hại cây trồng do ngập úng.
Cụ thể, đối với diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch, các địa phương và nông dân cần áp dụng tối đa mọi khả năng, biện pháp như mở cống hạ mức nước trên hệ thống tiêu, bơm tát bằng bơm điện, bơm dầu, kể cả biện pháp thủ công… để tiêu nước triệt để càng nhanh càng tốt. Đồng thời, triển khai thu hoạch nhanh số diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ, ngập nước để giảm thiểu thiệt hại.
Với diện tích lúa giai đoạn trỗ đến chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 đến 5 gốc lúa lại với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trỗ, vào chắc và chín.
“Đối với lúa giai đoạn làm đòng chuẩn bị trỗ, cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi trời ráo, tiến hành phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng kali cao để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trỗ nhanh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại như rầy nâu, bệnh khô vằn, lem lép hạt… để thực hiện các biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra sau ngập úng”, ông Đa lưu ý.
Về cây rau màu bị ảnh hưởng ít, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ… Cụ thể, áp dụng các biện pháp như vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy; nếu có điều kiện thì tủ thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới. Riêng các loại bí để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây.
Bên cạnh đó, nông dân cần pha phân lân loãng hoặc sử dụng các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ hoặc có thể pha thêm các chế phẩm sinh học tưới vào gốc để cây nhanh phục hồi và khích thích ra rễ.
Do bộ rễ cây còn yếu, cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá, như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng… theo hướng dẫn trên bao bì. Để phòng bệnh lở cổ rễ hoặc để hạn chế bệnh héo xanh, cần tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm. Khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo thì tiến hành vun xới, kết hợp tưới phân loãng, nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây.
Với diện tích rau màu thiệt hại hoàn toàn trên 70%, trước tiên cần khắc phục sa bồi, thủy phá. Trong thời gian chờ kết thúc mưa, làm đất và xử lý đất, tiến hành gieo ươm cây con trong khay, bầu hoặc ở những nơi cao ráo nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây rau ngoài đồng ruộng.
Lưu ý nên bừa kỹ, bón lót vôi, lân và phun chế phẩm vi sinh diệt nấm bệnh trong đất. Đối với hạt giống nông dân tự bảo quản, trước khi gieo trồng cần tiến hành ngâm hạt trong nước ấm “2 sôi + 3 lạnh”, thời gian ngâm tùy thuộc vào loại hạt giống (trung bình có thể ngâm từ 4 – 6 tiếng) để hạn chế mầm bệnh do ẩm độ cao trong thời gian bảo quản.
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, trong hệ thống Thủy nông Đồng Cam có gần 15.000 ha lúa đông xuân. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm khoảng 70% diện tích lúa của bà con trong hệ thống thủy nông Đồng Cam bị đổ ngã và ngập nước. Để giúp bà con khắc phục cây trồng ngập úng, thời gian qua, Công ty đã huy động lực lượng khơi thông các kênh tiêu và kênh ngập nước. Nhờ vậy, hiện nước đã rút xuống 60% và chỉ còn khoảng 700 ha lúa bị ngập nước. Đáng mừng là 2 ngày qua trời không còn mưa và nếu 2 – 3 ngày nữa trời tiếp tục không mưa thì cơ bản nước trong các ruộng lúa sẽ rút hết.
Kim Sơ
https://nongnghiep.vn/ky-thuat-khac-phuc-cay-trong-sau-ngap-ung-d319861.html