Quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quá trình dài hơi, tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được nên cần phải triển khai từng bước.
HTX trồng quýt theo hướng hữu cơ tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.NGUYÊN |
Từ góc nhìn doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân đang thử nghiệm mô hình sản xuất hữu cơ, bài toán khó nhất hiện nay là “cánh cửa hẹp” đầu ra cho dòng sản phẩm này.
* Vẫn khó nhân rộng
Vài năm trở lại đây, sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Theo đó, sản xuất hữu cơ cũng được DN, HTX, nông dân đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những bước đầu, chủ yếu là sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế việc sử dụng phân, thuốc hóa học vì hầu như chưa có sản phẩm được công nhận hữu cơ.
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit nhận xét, khó nhất của sản phẩm hữu cơ vẫn là vấn đề đầu ra. Dù định hướng của DN vẫn tiếp tục tập trung phát triển dòng sản phẩm hữu cơ nhưng hiện nay thực phẩm organic vẫn đang chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong các ngành hàng của Vinamit và chủ yếu để xuất khẩu. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mua thực phẩm hữu cơ còn ở số ít nên muốn tiêu thụ phải đi vào thị trường ngách. |
ThS Trần Thị Phương Chi, người tiên phong làm mô hình cánh đồng lúa sạch ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) với sản phẩm gạo sạch Tân Bình Lục đã được thị trường biết tiếng nhiều năm qua. Tuy đã có cánh đồng lúa canh tác sạch nhiều năm, là điểm thuận lợi để cơ sở có thể chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ nhưng trong thực tế, việc chuyển đổi này vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ThS Phương Chi, về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống nhằm ngăn tác động trực tiếp của hóa chất tới sản phẩm, cần quy hoạch vùng trồng hợp lý và ổn định. Nhưng thực tế, xung quanh cánh đồng vẫn canh tác theo cách cũ, sử dụng thuốc hóa học phun xịt thì khi áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với những yêu cầu rất khắt khe là điều không dễ thực hiện vì ít nhất tiêu chuẩn về không khí rất khó đạt. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cũng là bài toán khó vì giá bán sản phẩm hữu cơ rất cao do chi phí đầu tư và làm chứng nhận rất tốn kém. “Với điều kiện của nông dân hiện nay rất khó để thực hiện, nhất là trong tình hình đầu ra của nông sản còn nhiều bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh…” – ThS Phương Chi nói.
Chỉ ra rào cản khác, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ, HTX đã làm thí điểm mô hình tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận, đã đầu tư hệ thống máy bóc tách vỏ và sấy tiêu mang lại giải pháp tiết kiệm chi phí và quan trọng nhất là làm ra hạt tiêu sọ đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Chất bã từ quy trình sơ chế này cũng được tận dụng sử dụng trong chăn nuôi và cũng xuất khẩu tốt nên góp phần tăng giá trị cho hạt tiêu xuất khẩu. Theo ông Luân: “HTX vẫn khó mở rộng quy mô đầu tư dù thị trường xuất khẩu còn giàu tiềm năng cho cả hạt tiêu thường lẫn sản phẩm hữu cơ. Nguyên nhân do HTX vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ dành cho dự án cánh đồng lớn cũng như cho chương trình sản xuất hữu cơ”.
* Cánh cửa hẹp về thị trường?
Ở cả những nước phát triển, sản phẩm hữu cơ vẫn là dòng sản phẩm cao cấp kén khách mua. Giải bài toán thị trường vẫn là vấn đề lớn nhất trong việc gỡ nút thắt để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ với quy mô lớn.
Hiện nhiều loại trái cây nổi tiếng của Đồng Nai đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP như: bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng…, nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường và hầu như chưa có nhãn hàng, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện. Tuy người tiêu dùng ngày càng quan tâm, ưu tiên sử dụng thực phẩm an toàn, nhưng thực tế sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hiện vẫn chưa có đầu ra bền vững. Trong đó có nguyên nhân thực tế trên thị trường hiện nay, thực trạng sản phẩm, nông sản dán nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ còn khá phổ biến, cần sự quản lý chặt chẽ hơn. Thực tế này cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa đủ niềm tin để ủng hộ nông sản GAP, tạo nên độ lệch giữa cung và cầu về nông sản sạch.
Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) Nguyễn Thế Bảo chia sẻ, trái xoài của HTX đạt chuẩn VietGAP tuy có ý nghĩa giúp HTX xây dựng uy tín về chất lượng sản phẩm, có giá tốt khi bán được vào các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhưng thương lái thu mua thì các xã viên buộc phải bán như giá hàng thường. Mặt khác, hiện giá xoài Đài Loan xuất khẩu chỉ còn khoảng 3-4 ngàn đồng/kg, 2 năm liên tiếp giá xoài liên tục giảm sâu, nhiều nông dân đã phải thế chấp sổ đỏ vay vốn đầu tư. Ông Bảo cho biết thêm: “Giai đoạn khó khăn này không dễ vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi theo hướng sản xuất mới. Nông dân cũng chỉ mạnh dạn chuyển đổi khi thực sự có đơn vị uy tín tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm hữu cơ với cam kết người nông dân được đảm bảo về lợi nhuận”.
Lê Quyên
http://baodongnai.com.vn/tieu-diem/202203/kho-chuyen-doi-trong-mot-som-mot-chieu-3107533/