(TBTCO) – Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – Bộ Công thương (VITIC), giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu hôm nay (21/9) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Giá gạo NL IR 504 tăng lên mức 8.450-8.550 đồng/kg; gạo thành phẩm 9.100 – 9.200 đồng/kg; giá tấm 8.600 đồng/kg; cám khô 8.250-8.300 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa IR 50404 giảm nhẹ xuống 5.300 – 5.400 đồng/kg; các loại lúa gạo khác ổn định; lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg. Lúa nàng Nhen (khô) 11.500 – 12.000 đồng/kg và lúa Nhật có giá là 7.600 – 7.800 đồng/kg. Gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% các giống gạo khác; Trung Quốc sụt giảm 6% sản lượng vì hạn hán… là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Hiện nay tình trạng thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất và chắc chắn làm giảm sản lượng trong năm nay. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, dẫn tới việc sản lượng sản suất gạo nước này có thể bị sụt giảm 3 – 6% trong năm 2022. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022 – 2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018 – 2022).
Với gạo Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và 4,8 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philipines, chiếm 12% tổng xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2022./.
Tấn Minh