Giá lúa mì và ngô tăng cao đang thúc đẩy nhu cầu dùng gạo chất lượng thấp làm thức ăn cho động vật trên khắp châu Á…
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn, vượt gạo của Thái Lan. Thị trường giao dịch ổn định.
Giá gạo của các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á thời gian qua tăng mạnh do nhu cầu ổn định giữa bối cảnh chi phí vận chuyển cao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 410 USD/tấn. Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Thái Lan lên mức 415- 428 USD/tấn mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021, do giá ngô và lúa mỳ tăng khiến các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang tìm cách sử dụng nhiều gạo tấm hơn, đẩy giá gạo tăng cao trên toàn khu vực.
Nhu cầu gạo từ Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng lên do những lo ngại về kế hoạch phong tỏa bởi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, khiến người dân đổ xô mua gạo tích trữ.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đã xuất khẩu 459.752 tấn gạo, trị giá 234 triệu USD trong tháng 1/2022, tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 371- 378 USD/tấn trong tuần qua, so với 370- 376 USD/tấn của tuần trước đó, cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021.
Theo xu hướng chung của khu vực, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021, là 418-420 USD/tấn vào hôm nay. Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng ở mức 410-415 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu tăng và xung đột Ukraine-Nga khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á chuyển sang mua gạo Việt Nam.
Chi phí vận chuyển đã tăng lên đáng kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, với chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng 70-80%.
Trong khi đó, giá gạo nội địa ở Bangladesh vẫn ở mức cao mặc dù tình hình mùa màng và dự trữ tốt.
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động nhiều, riêng giá gạo nguyên liệu và phụ phẩm giảm nhẹ 50 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm tiếp tục tăng 5 USD/tấn, vượt gạo của Thái Lan. Thị trường giao dịch ổn định.
Tại An Giang, giá lúa hôm nay duy trì ổn định. Cụ thể, lúa IR 50404 5.500 – 5.800 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM5451 5.700 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 giá 5.800 – 5.850 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 5.800 – 5.900 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 – 12.000 đồng/kg; nếp tươi 5.500 đồng/kg; nếp Long An tươi 5.400 – 5.500 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo xu hướng giảm nhẹ. Hiện gạo NL IR 504 giảm 50 đồng, xuống còn 8.500 đồng/kg; tấm IR 504 giảm 50 đồng, còn 8.600 đồng/kg. Gạo TP IR 504 ở mức ổn định 9.100 -9.150 đồng/kg và cám khô giá ổn định 8.600 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo không có biến động. Hiện gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo thường 11.000 – 12.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường 13.500 – 14.000 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay giá lúa gạo chững lại và duy trì ở mức cao. Giao dịch ổn định. Trong khi đó, giá các mặt hàng phụ phẩm như tấm, cám tăng mạnh. Trong nửa đầu tháng 3/2022, giá các mặt hàng này đã tăng 800 – 900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, như đã nêu trên, giá chào bán gạo xuất khẩu của ta tiếp tục tăng lên với mức tăng 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm hiện ở mức 418-420 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm 393 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Gạo 100% tấm ổn định ở mức 338-342 USD/tấn và Jasmine ở mức 508-512 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan giảm mạnh 15 USD/tấn xuống còn 410 USD/tấn. Như vậy sau nhiều tháng ở mức thấp hơn, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang có giá cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn.
Nguyễn Phương