TTO – Đã có nhiều ‘hiến kế’, mô hình giảm phụ thuộc vào phân, thuốc trong bối cảnh giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng cao.
Một trong những giải pháp là giảm phụ thuộc vào phân vô cơ, tăng dùng phân hữu cơ.
Dùng phân nhiều vì tăng vụ
Sống nhờ vào 1ha ruộng nên khi phân bón, xăng dầu tăng giá, ông Nguyễn Văn An (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bồn chồn đứng ngồi không yên bởi chi phí phân, thuốc rất lớn. Trong một vụ lúa phải bón phân hóa học ít nhất 4 lần, tổng phân bón sử dụng khoảng 500kg (10 bao), trong đó 2 bao kali, 3 bao DAP và 5 bao urê.
“Giá phân bón các loại gần đây tăng hơn gấp đôi nên chỉ tính riêng tiền mua phân bón cho một vụ lúa đã gần 8 triệu đồng. Cộng thêm các chi phí làm đất, thu hoạch… dù năng suất có đạt 7 tấn/ha, giá bán trên 5.000 đồng/kg vẫn không có lời”, ông An nói.
Theo ông An, từ ngày chuyển qua làm 3 vụ lúa, đâu còn thời gian để cày đất phơi ải. Vừa thu hoạch xong, lại chuẩn bị đất gieo sạ làm tiếp, quay vòng đất liên tục nên phải bón nhiều phân hóa học. “Bón nhiều phân như vậy là hơi quá tay, nhưng nếu không làm theo sẽ không tồn tại”, ông An cho biết.
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp còn tiếp tục tăng nữa do những biến động trên thế giới.
“Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo đó làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp”, ông Trung nhận định.
Nhiều giải pháp kéo giảm chi phí
Ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp – cho biết tỉnh này đã đề ra nhiều giải pháp tiết kiệm phân, thuốc, đặc biệt là vận động nông dân từ từ sử dụng phân hữu cơ.
Cụ thể, Đồng Tháp đã thí điểm 2 vụ sử dụng phân bón hữu cơ cho lúa mà không sử dụng phân vô cơ. “Giá phân bón cao quá nên phải hạn chế phân vô cơ mà sử dụng phân hữu cơ, giải pháp thứ 2 là giảm lượng thuốc.
Theo tính toán sơ bộ, nông dân đã giảm 3 triệu đồng/ha đối với tiền thuốc, còn phân bón giảm 2 triệu đồng/ha. Tôi nghĩ đây là giải pháp hiệu quả khi giá phân bón tăng mạnh như hiện nay” – ông Điền nói.
Theo ông Điền, qua đánh giá 2 mùa vụ khi sử dụng phân bón hữu cơ thì năng suất lúa bằng với sử dụng phân vô cơ. Đặc biệt, lúa dùng phân bón hữu cơ được bao tiêu giá cao hơn 15% so với bình thường. Vì vậy, người dân đang từng bước thích ứng và sử dụng phân hữu cơ này.
Ông Hoàng Trung cho biết Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình là mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL gắn với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”. Kết quả cho thấy giảm lượng phân đạm 20% nhưng năng suất vẫn tăng 7% đạt 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình tăng 26%.
Mô hình canh tác lúa ở ĐBSCL theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn SRP của Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời tại Long An, An Giang, Đồng Tháp đã thực hiện với mục tiêu giảm chi phí bằng biện pháp kiểm soát dịch hại chặt chẽ, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây ở từng giai đoạn. Kết quả mô hình cho thấy chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 22,7%, chi phí phân bón giảm 5,4%, lợi nhuận tăng 14,4%.
“Bộ NN&PTNT cũng đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Đồng thời, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt nhằm cải tạo đất, giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ” – ông Trung cho biết thêm.
Tạo ra giống lúa giúp dân tiết kiệm phân, thuốc
Ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” gạo ST25 “ngon nhất thế giới”, chia sẻ đang cùng các cộng sự nghiên cứu ra các dòng lúa thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Ông dẫn chứng mô hình lúa – tôm, hạn chế hoặc không sử dụng phân bón được triển khai tại nhiều địa phương ở khu vực bán đảo Cà Mau rất hiệu quả, cần nhân rộng. Như vụ đông xuân rồi, hàng vạn nông dân đã có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha nhờ làm lúa thơm sạch, bán được giá cao.
“Vua chuối” Võ Quan Huy: Phân hữu cơ chất lượng, nông dân sẽ dùng
Theo “vua chuối” Võ Quan Huy (Long An), nếu đầu tư thêm về công nghệ thì phân bón hữu cơ có thể đạt hiệu quả nhanh và “kịp thời” trong việc kích thích sản phẩm nông sản đúng như mong muốn của bà con nông dân.
“Dĩ nhiên về mặt bền vững thì phân hữu cơ có nhiều mặt tích cực hơn. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng phân hữu cơ vẫn chưa được người nông dân quen dùng vì vẫn còn tốn nhiều công sức hơn so với phân bón vô cơ.
Thị trường cần nhiều hơn những loại phân bón hữu cơ chất lượng, và phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ cũng cần được truyền đạt rộng rãi hơn cho bà con. Cái gì bà con sử dụng tốt và hiệu quả thì họ sẽ lựa chọn thôi”, ông Huy nói thêm.
CHÍ TUỆ – KHẮC TÂM – BỬU ĐẤU – SƠN LÂM
https://tuoitre.vn/gia-dat-do-co-hoi-thay-doi-nen-nong-nghiep-ky-2-buong-vo-co-chon-huu-co-20220318074402469.htm