Xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến tình trang gián đoạn quy mô toàn cầu được cho có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực, khiến giá thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, các nước châu Á có thể tránh được nguy cơ này nhờ “tình yêu” đặc biệt với gạo.
Gạo là thực phẩm phổ biến với người châu Á, thay vì lúa mì. Nhà kinh tế học Jules Hugot tại Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết giá gạo thường khá ổn định.
Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine chủ yếu gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lúa mì của thế giới. Nga và Ukraine vốn chiếm tới 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết giá lúa mì đã leo lên mức cao kỷ lục. Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được khởi động vào 24/2, giá lúa mì giao sau đã tăng gần 50%. Mức giá tăng gây lo ngại đặc biệt với những quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì nước ngoài.
Ngoài ra giá phân bón tăng vọt cũng gây áp lực lên giá lương thực bởi Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Giá cao có thể khiến người nông dân hạn chế sử dụng phân bón, khiến sản lượng giảm và đẩy giá thực phẩm cao hơn nữa.
Hiện chưa rõ căng thẳng tại Ukraine sẽ kéo dài đến khi nào nhưng các chuyên gia cho rằng sự kiện này có thể tác động đến vụ trồng trọt ngô và hoa hướng dương vào mùa Xuân tại nước này, tiếp tục gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường toàn cầu.
Ông Hugot cho biết trong cùng thời điểm các quốc gia châu Á có thể tìm kiếm nguồn thay thế cho dòng chảy thương mại bị gián đoạn bởi xung đột, ví dụ nhập khẩu lúa mì từ Kazakhstan và sử dụng dầu cọ từ Đông Nam Á thay thế dầu hướng dương.
Lạm phát giá thực phẩm được kiềm chế tại châu Á nhờ gạo là thực phẩm phổ biến và giá thịt lợn đã giảm khi Trung Quốc mở rộng quy mô chăn nuôi. Theo ông Hugot, chuỗi cung cứng đã trở nên linh hoạt hơn sau đại dịch và các quốc gia đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa để đẩy mạnh an ninh lương thực.
Hà Linh/Báo Tin tức