Thời điểm này, lĩnh vực chăn nuôi phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao…
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi cho biết, trong tháng 2/2022, tổng đàn lợn tăng 2,9%, gia cầm tăng 2,0%, đàn bò tăng 0,9%, đàn trâu giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
CÁC DOANH NGHIỆP ĐỒNG LOẠT TĂNG GIÁ
Trong tháng 02/2022, chứng kiến các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng giá lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020 đến nay.
Theo đó, Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng tăng giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.
Tương tự, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại.
Công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm với mức tăng 300 đồng/kg. Lý do Công ty CJ Vina Agri đưa ra là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động nên việc tăng nhằm ổn định chất lượng sản phẩm.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi 300 đồng/kg và áp dụng từ ngày 21/02/2022.
Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Biên Hòa, và các chi nhánh: Long An, Bình Dương, Cần Thơ, Bình Định cũng tăng giá 240 đồng/kg cho toàn bộ sản phẩm của Cargill, thời gian áp dụng từ ngày 18/2/2022 cho đến khi có thông báo mới.
Công ty Cổ phần GREEENFEED Việt Nam cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm và bò: Sản phẩm cám heo con, 240 đồng/kg; sản phẩm cám đậm đặc các loại: 300 đồng/kg; sản phẩm cám hỗn hợp heo: 200 đồng/kg; sản phẩm cám gia cầm thịt và gia cầm đẻ: 200 đồng/kg; sản phẩm cám bò là 200 đồng/kg; thời gian áp dụng từ ngày 19/02/2022.
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz cũng tăng 300 đồng/kg đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo, bò, gia cầm (gà thịt, vịt thịt), gia cầm đẻ (gà đẻ, vịt đẻ), thời gian áp dụng từ ngày 19/02.
Công ty Japfa Comfeed mới đây thông báo tăng giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, áp dụng cho tất cả các nhãn hiệu: Thức ăn đậm đặc các loại tăng 300 đồng/kg; thức ăn cho heo con và gia tăng 240 đồng/kg; thức ăn cho heo thịt, heo nái và các sản phẩm còn lại200 đồng/kg.
Tại hội nghị giao ban khối chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào chiều 7/3/2022, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi cho hay, trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.
Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước Việt Nam cũng tăng theo. Cụ thể, thức ăn cho lợn thịt 60 kg đến xuất chuồng 12.500 đồng/kg (tăng 2,5% so với tháng 12/2021), thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 12,8% so với tháng 12/2021), thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 8,1% so với tháng 12/2012)…
Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ucraina nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Thắng, hiện tại giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đang tăng rất cao. Cụ thể, ngô hạt 9.000 đồng/kg (tăng 12,5%); khô dầu đậu tương 16.000 đồng/kg (tăng 17,65%); bột cá 30.000 đồng/kg, sắn lát 6.450 đồng/kg (tăng 11,0%); cám mì 7.000 đồng/kg (tăng 3,0%); cám gạo chiết ly 6.000 đ/kg (tăng 17,7%)…
“Dự báo trong thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung do căng thẳng Nga, Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm). Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi”, ông Dương Tất Thắng cảnh báo.
CẦN TÌM NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN THAY THẾ
Trong tháng 2, lĩnh vực chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá xăng dầu tăng cao…
Đặc biệt, tình hình thời tiết rét đậm, tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vừa qua làm nhiều gia súc bị chết. Tính đến ngày 01/3/2022 đã có hơn 7.900 con gia súc bị chết (4.822 con trâu, 1.883 con bò, 1.201 gia súc khác).
Ông Thắng cho biết lượng cung sản phẩm chăn nuôi vẫn dồi dào trong khi lượng lượng cầu thấp, do sức ăn của thị trường chưa được khôi phục hoàn toàn… Đến tuần cuối tháng 02/2022, giá thịt lợn hơi trong nước có xu hướng giảm, bình quân giảm từ 6.000-8.000 đồng/kg so với trước và trong Tết.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bán tại trại dao động từ 50.000-54.000 đồng/kg (tại miền Bắc), 54.000-55.000 đồng/kg (tại miền Nam), 53.000-55.000 đồng/kg (tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên), cục bộ có một số nơi giá giảm xuống khoảng 49.000-50.000 đồng/kg. Giá bò thịt dao động từ 85.000-95.000 đồng/kg, sữa bò 12.000-15.000 đồng/lít; dê thịt 90.000-110.000 đồng/kg…
Chủ trì cuộc họp vào chiều 7/3/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc khối chăn nuôi trong tháng 3 và thời gian tới cần chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong việc triển khai các nhiệm vụ để giữ vững đà tăng trưởng và hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
“Sản phẩm nào phục vụ chăn nuôi sản xuất ra mà giá thành cao phải nghiên cứu thay thế bằng sản phẩm khác, thậm chí đi mua nhưng phải đảm bảo chất lượng và giá thành thấp hơn”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Về vấn đề thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương phối hợp đề ra giải pháp phát triển các loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp để giảm áp lực trong bối cảnh giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Đơn cử, có thể sử dụng cám gạo để thay thế lúa mì, ngô nhập khẩu. Cám gạo là sản phẩm phụ của ngành xay xát lúa gạo, nên có nguồn cung khá dồi dào ở nước ta.
“Các đơn vị chức năng cần tiến hành hoạt động thanh tra kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường linh hoạt hơn, sát thực tễ hơn. Cần lấy mẫu kiểm tra ngoài thị trường chứ không lấy trong các nhà máy, xí nghiệp. Hoạt động thanh tra cần thường xuyên, đột xuất để có đánh giá khách quan và chính xác hơn” Thứ trưởng Tiến yêu cầu.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi, yếu tố quan trong nhất là tăng trưởng, do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị khi xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phải nêu thật cụ thể mục tiêu, phân công công việc, kiểm tra, đánh giá theo tiêu chí “nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật” mới có thể nắm bắt được những “nút thắt”. Từ đó, kịp thời đưa ra phương án tháo gỡ, thì các hoạt động mới thực sự hiệu quả.
Chu Khôi
https://vneconomy.vn/du-chan-nga-ukraine-khien-gia-thuc-an-chan-nuoi-lai-tang-vot.htm