Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các kế hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025. Để phát triển các ngành hàng này và một số ngành hàng tiềm năng khác, tỉnh sẽ xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ.
Để thống nhất nội dung, sáng ngày 13/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn chủ trì cuộc họp với một số sở, ngành tỉnh về phương án phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và chính sách quảng bá sản phẩm OCOP.
Có 12 loại nông sản được đưa vào dự thảo phương án, đó là: Lúa gạo, xoài, sen, nhãn, ớt, khoai lang, chanh, mít, quýt, khoai môn, hoa kiểng, vịt.
Thị trường tiêu thụ là trong nước và xuất khẩu. Trong đó phát triển thị trường tiêu thụ thông qua việc kết nối giữa nhà sản xuất với các kênh tiêu thụ tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ, cuộc thi v.v. bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Về thị trường trong nước, tiếp tục kết nối kênh tiêu thụ tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố; kết nối các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các điểm du lịch, dừng chân trong và ngoài tỉnh.
Để xuất khẩu nông sản, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh duy trì kết nối với các thị trường đã tiếp cận và mở rộng tìm kiếm thị trường tiềm năng, cũng như kết nối các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Công Thương hoàn chỉnh phương án, trong đó tích hợp kế hoạch truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, ưu tiên sản phẩm 4 sao, 5 sao. Đồng thời, ông Huỳnh Minh Tuấn cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 để sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh; khẩn trương hoàn thành thiết kế giỏ quà OCOP.
Nguyệt Ánh