ĐBSCL không thể sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ mà cần có cách tiếp cận mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường
Tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng ĐBSCL đang chịu tác động rất lớn từ thượng lưu sông Mê Kông.
Đối diện nhiều thách thức
Theo ông Phạm Văn Trọng, từ 10 năm trước, ĐBSCL đều có lũ lớn hoặc nhỏ, đem phù sa dồi dào về cho đồng bằng. Tuy nhiên, nếu như trước đây người dân có tâm lý “chạy lũ” thì nay họ lại mong ngóng lũ về.
“Các quốc gia ở thượng nguồn xây đập thủy điện ngày càng chằng chịt, đến lúc nào đó sẽ phủ kín, nguồn nước sông Mê Kông mang phù sa về ngày càng ít, đây là một thách thức. Nếu phù sa không có, cây trồng ngày càng giảm năng suất. Nếu không đầu tư vật tư nông nghiệp thì năng suất sụt giảm, trong khi sử dụng phân, thuốc nhiều lại ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và môi trường” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang băn khoăn.
Ông Phạm Văn Trọng cho rằng nước biển dâng đang là thách thức rất lớn với ĐBSCL. Nước biển dâng không theo quy luật trước đây mà xâm nhập sâu và kéo dài. Tại Tiền Giang, mùa nước mặn xâm nhập năm 2019-2020 gây hậu quả đến nay vẫn còn, rõ nhất là với sầu riêng. Ngoài ra, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng dù địa phương đã sử dụng nhiều giải pháp công trình và phi công trình với ngân sách lớn.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh này cũng chịu tác động rõ nét của biến đổi khí hậu, như: sự thay đổi nguồn nước ngọt và mặn, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Với nước ngọt, Cà Mau chỉ có nguồn nước trời tưởng như không bị ảnh hưởng nhưng cũng có sự thay đổi khi hạn hán gay gắt, dẫn đến sụp lún nhiều nơi. Người dân đã chuyển sang sản xuất “thuận thiên”, vùng nào bị xâm nhập mặn thì sản xuất theo sinh thái mặn, mặn – lợ thì luân phiên lúa – tôm, song cũng có vụ lúa mất trắng vì xâm nhập mặn không theo quy luật nào.
“Chúng ta đã có Quy hoạch vùng ĐBSCL, bước tiếp theo là đầu tư hạn tầng cho quy hoạch vùng. Ngoài ra, nông nghiệp hiện sản xuất manh mún, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng hàng hóa thấp… Tôi nghĩ khâu tiếp theo là hỗ trợ các địa phương tổ chức lại sản xuất” – ông Lê Văn Sử nhìn nhận.
Lãnh đạo Cà Mau đề xuất ngoài quy hoạch các trung tâm vùng, trung tâm điều phối như đã nêu trong quy hoạch vùng ĐBSCL, cần tính tới việc tổ chức sản xuất theo ngành hàng. Theo đó, chọn các ngành hàng chủ lực của ĐBSCL; củng cố, tổ chức lại ngành hàng cho đủ mạnh. Các ngành hàng này có thể cùng nhà nước, nông dân, HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi, như thế mới nâng cao được năng lực cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL.
Thích ứng với “3 biến”
Cùng với tình trạng nhiễm mặn, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thời tiết thay đổi… dần được xem là vấn đề bình thường ở ĐBSCL. Tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với việc phát triển và quy hoạch ở cấp vùng đã bắt đầu có sự chuyển đổi – từ quy mô nông hộ nhỏ và quan điểm của tỉnh sang liên tỉnh và toàn vùng; từ quan điểm ngành ngắn hạn sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tổng hợp. Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch vùng ĐBSCL và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trung ương đã thành lập Ban Điều phối vùng ĐBSCL để triển khai Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả, các tỉnh, thành ĐBSCL cần xây dựng hệ thống dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung cho vùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về nông nghiệp để có nguồn lực đầu tư cho các địa phương một cách sớm nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận xét: “Nếu làm tốt theo đúng tinh thần Nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đúng Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL chẳng những giải quyết được những khó khăn mà còn đi đến một tương lai thịnh vượng”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp ĐBSCL đang đối diện “3 biến” rất lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng (tức tiêu dùng xanh, hướng tới nền nông nghiệp xanh). Nếu nhìn tổng thể ĐBSCL với quan điểm tích cực hơn, từ những cái có sẵn, chúng ta có thể “biến hóa” thành có nhiều hơn nữa tại vùng này. ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn. Thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề của ĐBSCL chứ không phải là chuyện riêng của địa phương nào trong vùng.
Nông dân cần liên kết
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng nếu trước đây, khi tiếp cận ngành hàng lúa gạo chỉ chú ý vấn đề sản lượng thì nay cần phải chú trọng về giá trị. Ở góc độ này, phải tiếp cận chi phí, sinh kế bền vững cho người trồng lúa. Nói rộng hơn, ngành nông nghiệp vốn chỉ chú trọng quy mô, sản lượng, kim ngạch thì bây giờ cần tiếp cận người tạo ra nông sản.
Theo ông Lê Minh Hoan, cần có cách tiếp cận lại, xây dựng tổ – nhóm nông dân liên kết với nhau. Những tổ – nhóm ấy dần trở thành hệ sinh thái của ngành hàng, trong đó có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh nông sản, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia.
Ca Linh
https://nld.com.vn/mien-tay-24h/de-dbscl-phat-trien-ben-vung-20221002201711607.htm