Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp cần tạo được lòng tin và uy tín với người nông dân chứ không phải chỉ có công suất lớn, dự trữ tốt…
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt gần 49 tỷ USD, tăng 14,9% USD. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu không cao hơn năm ngoái nhưng giá trị lại tăng gần 5%, cho thấy chuyển động về chất…
Góp phần vào chuyển đổi về chất đó, nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng của Việt Nam cần sự vào cuộc hơn nữa của các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tàu.
Ở sự vào cuộc của doanh nghiệp, tuần qua, Tập đoàn Tân Long đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy gạo Hạnh Phúc (An Giang) – một sự kiện nổi bật của ngành lúa gạo Việt Nam. Bởi đây là nhà máy có quy mô lớn, với công nghệ hiện đại tiên tiến trong chế biến gạo, qua đó góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, và góp phần tạo ra giá trị gia tăng mới cho người nông dân trồng lúa.
Phát biểu tại sự kiện trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao giá trị, năng suất của ngành nông lâm thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực lúa gạo, là vấn đề rất lớn và rất cần thiết; toàn ngành vẫn phải tiếp tục thảo luận để hướng tới mục tiêu cao hơn, khi đó mới thật sự nâng cao đời sống của người nông dân, nhất là nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Tôi vui mừng vì Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long đã đầu tư tại An Giang – vùng lúa lớn nhất nhì của cả nước. Nhưng có một điều rất quan trọng tôi muốn lưu ý với Tân Long đó là vấn đề chủ động bao tiêu sản phẩm cho người nông dân; Tân Long phải làm như thế nào để tạo được lòng tin và uy tín với người nông dân, chứ không phải chỉ có công suất lớn, dự trữ tốt để không bị cạnh tranh, để không hạ thấp giá thu mua với nông dân. Đó là sứ mệnh rất lớn mà doanh nghiệp này cần phải làm”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Trước lưu ý này, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long khẳng định: “Nỗi lo của Chủ tịch nước là doanh nghiệp sẽ ép giá nông dân nhưng thực tế chúng tôi không bao giờ làm điều đó. Chúng tôi đã và đang xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân, HXT và doanh nghiệp để kết nối với thị trường theo đơn đặt hàng và bài toán này có thể giải quyết dứt điểm các khâu trung gian thương lái và câu chuyện được mùa rớt giá và ép giá nông dân sẽ không còn xảy ra”.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết thêm, nhà máy vừa khánh thành có tên Hạnh Phúc vì mong muốn của Tập đoàn là người tiêu dùng hạnh phúc khi được tiêu thụ sản phẩm gạo sạch, an toàn, còn người nông dân hạnh phúc khi đạt lợi nhuận cao từ chuỗi giá trị, doanh nghiệp hạnh phúc khi đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao an toàn được người tiêu dùng đón nhận.
“Một cây làm chẳng nên non và giá như ở ĐBSCL có khoảng vài ba chục nhà máy gạo quy mô như Hạnh Phúc sẽ có thể phá bỏ được các khâu trung gian. Tân Long đang chuẩn bị xây dựng nhà máy Vì Dân tại Hậu Giang quy mô như nhà máy gạo Hạnh Phúc cũng vì mục tiêu này”, ông Trương Sỹ Bá cho biết thêm.
Đặt hàng các nhà khoa học
“Hôm nay có kỹ sư Hồ Quang Cua – người tạo ra giống lúa ST25 đạt giải gạo Ngon thế giới tham dự, và tôi chính thức đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và phải tập trung nhiều hơn nữa cho vùng lúa chất lượng cao, năng suất cao có giá trị tiêu dùng lớn để xuất khẩu ra toàn cầu. Tôi mong muốn các nhà sản xuất hợp tác với với các kỹ sư, các nhà nông học để sản xuất ra những giống lúa có năng suất và chất lượng cao”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề khi phát biểu tại sự kiện trên.
Thứ hai, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cũng như tỉnh An Giang điều chỉnh quy mô sản xuất thông qua việc chính thức mở rộng hạn điền, hoặc khuyến khích sản xuất hình thành các cánh đồng mẫu lớn liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thuê lại đất đai lâu dài, phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, người dân làm chủ có thu nhập ổn định lâu dài trên mảnh đất của mình.
“Tôi nêu một lên vấn đề lớn với Bí thư tỉnh Ủy và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang để chúng ta tổ chức lại sản xuất nông nghiệp không để manh mún nhỏ lẻ, nhưng người nông dân vẫn giữ được lâu dài mảnh đất của họ, chứ không phải lấy hết liệu sản xuất của nông dân là ruộng đất”, Chủ tịch nước nói.
Thứ ba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh An Giang cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, cải thiện căn bản thị trường lao động phi chính thức, chú ý đào tạo lao động, khuyến khích khởi nghiệp ở từng địa phương. Khi đẩy mạnh cơ giới hóa thì lao động nông thôn sẽ dư thừa cần phải đào tạo lao động và khuyến khích khởi nghiệp là những vấn đề rất quan trọng.
Theo Chủ tịch nước, cho dù sản xuất nông nghiệp có đạt được lợi nhuận 30% trên giá thành nhưng vẫn còn rất thấp so với thu nhập trung bình. Vì vậy, ông mong muốn có phong trào khởi nghiệp mới, phong trào sản xuất mới chuyển dịch ở nông thôn chứ không phải lao động trong nông nghiệp quá đông như hiện nay.
Thứ tư, Chủ tịch nước đặt vấn đề tiếp tục điều chỉnh mục đích sử dụng sản xuất lúa linh hoạt trên tinh thần nuôi trồng những cây, con phù hợp với đất lúa, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Trong hướng điều chỉnh đó, mục tiêu ưu tiên cũng như phải chú ý hơn nữa ở chất lượng gạo, nâng cao giá trị thương hiệu thay vì theo số lượng. Và như trên, kết quả xuất khẩu năm qua, số lượng không nhiều thay đổi nhưng giá trị xuất khẩu gạo đã tăng đáng kể cho thấy hướng dịch chuyển cần tiếp tục phát huy của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
NGUYỄN HUYỀN