Đắk Nông có diện tích sản xuất lúa gạo lớn, trong đó có nhiều loại lúa đạt năng suất cao, cho sản phẩm gạo rất ngon. Thế nhưng, phần lớn sản lượng lúa hàng năm đều được bán thô, giá trị thấp. Do đó, chế biến sâu là giải pháp để nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh.
Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2020, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) bắt đầu chế biến, cho ra sản phẩm bún khô được làm từ gạo kết hợp với tinh dầu gấc.
Theo ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX, những nông sản được nông dân trồng như gấc, lúa gạo được người dân sản xuất nhiều ở Krông Nô, Cư Jút và các huyện lân cận.
Các loại nông sản này đều ngon, có chất lượng tốt, nên HTX đã nghiên cứu thị trường và quyết định đầu tư chế biến sâu. Sau sản phẩm bún khô, HTX đã chế biến phở khô (cũng làm từ gạo và tinh dầu gấc).
Các sản phẩm ra đời đều được thị trường đón nhận. Đến nay, bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất 1 tấn sản phẩm bún, phở khô để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Giá bún, phở thiên nhiên được HTX bán 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo của Đắk Nông trên thị trường chỉ ở khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, chế biến sâu đã nâng cao giá trị cho lúa gạo lên rất nhiều.
Cũng theo ông Định, HTX sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu thị trường để đa dạng sản phẩm được chế biến từ gạo. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, HTX sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để hướng tới xuất khẩu.
Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tổ hợp tác, 2 HTX chuyên sản xuất lúa gạo. Nhưng các đơn vị này mới chỉ dừng lại ở việc trồng, thu hoạch và bán lúa thô.
Một vài đơn vị có đầu tư máy móc, thiết bị chế biến, nhưng đang ở khâu xay xát thành gạo để cung cấp cho thị trường. Một số ít cơ sở sử dụng gạo để chế biến thành bún, phở, bánh, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ…
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, những năm qua, các huyện đã chú trọng trồng những giống lúa chất lượng cao, cho sản phẩm gạo ngon như ST24, ST25…
Năng suất các giống lúa này cũng rất cao, đạt từ 8-10 tấn/ha/vụ. “Chất lượng gạo ngon, năng suất và sản lượng cũng lớn. Nếu chế biến sâu thành các sản phẩm tinh như bún, phở, các loại bột, bánh, kẹo… thì sẽ tăng hiệu quả kinh tế rất nhiều”, ông Gấm cho biết.
Cũng theo ông Gấm, về lâu dài, nông dân và các tổ hợp tác, HTX cần liên kết sản xuất, chuyển sang chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo. Việc sản xuất, chế biết cần gắn liền với phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
|
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chọn gạo Buôn Choáh là 1 trong số 100 sản phẩm đặc sản, quà tặng Việt Nam. Đây là cơ hội để Đắk Nông khai thác thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm lúa gạo. |
Với quy mô khoảng 10.000 ha lúa mỗi năm, Đắk Nông là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư khoa học, công nghệ để chế biến sâu, đa dạng sản phẩm lúa gạo là chưa nhiều.
Để nâng cao giá trị kinh tế cho lúa gạo Đắk Nông, một trong những giải pháp cần được các địa phương chú trọng đó là đầu tư chế biến sâu và đa dạng sản phẩm.
Thực tế từ sản phẩm bún, phở của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà cho thấy, Đắk Nông cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chế biến sâu, đa dạng sản phẩm lúa gạo. Từ đó, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị lúa gạo cho Đắk Nông.
Tỉnh và các huyện cần có hướng xây dựng các nhà máy quy mô phù hợp để chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của lúa gạo Đắk Nông ở thị trường trong nước, xuất khẩu.
Thanh Nga
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/che-bien-sau-de-nang-gia-tri-lua-gao-%C3%B0ak-nong-95060.html