Năm 2024 thế giới dự báo sẽ thiếu khoảng 5 triệu tấn lương thực do nguồn cung hạn chế, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo.
Cầu tiếp tục được dự báo vượt cung
Trong những dự báo từ cuối năm 2023, nhiều chuyên gia, tổ chức đều nhận định rằng, năm 2024 tình hình căng thẳng lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục tái diễn do nhiều nguyên nhân.
Hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn ở phần lớn châu Á trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024. Điều này được dự báo sẽ tác động làm giảm sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024.
Không chỉ gạo mà theo CoBank – ngân hàng cho vay hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp Mỹ thì tồn kho ngũ cốc và hạt có dầu toàn cầu đang thắt chặt. Khu vực bán cầu bắc có thể sẽ trải qua kiểu thời tiết El Nino mạnh lần đầu tiên trong mùa trồng trọt kể từ năm 2015.
Trước đó, trong năm 2023 hiện tượng này đã khiến nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ cũng như các nông sản khác ở một nước xuất khẩu và nhập khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng. Hậu quả là Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu các loại gạo trắng thông dụng. Việc nước này đột ngột dừng nguồn cung trong khi nhu cầu về gạo ở mức cao đã khiến giá gạo thế giới liên tục tăng nóng và phụ thuộc vào 2 nguồn cung chính gồm Thái Lan và Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo được sản xuất trên toàn cầu tuy có tăng hơn so với niên vụ 2022-2023, nhưng sản xuất vẫn thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
Về con số cụ thể, theo Công ty Ssresource Media Pte. Ltd (Singapore) đưa ra vào cuối năm 2023 thì sản xuất lúa gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 có thể sẽ đạt 517,796 triệu tấn – mức này tăng 4,441 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023. Tuy vậy, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 cũng được dự báo tăng 856.000 tấn so với niên vụ 2022-2023 khi ở mức 522,286 triệu tấn. Như vậy nguồn cầu đang tăng hơn nguồn cung khoảng 4,5 triệu tấn.
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ vẫn duy trì lệnh hạn chế xuất khẩu gạo và có thể kéo dài đến hết năm do quốc gia này vẫn đang chịu tác động từ El Nino khiến mùa màng bị sụt giảm. Điều này, theo ông Subramanian đến từ Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore), sẽ khiến thị trường năm 2024 có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam.
Thực tế, thời điểm cuối năm 2023 các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo và khẳng định rằng năm 2024 các quốc gia như Indonesia, Philippines và Malaysia… dự báo tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo ở mức cao. Đơn cử là Indonesia, năm 2023 quốc gia này đã nhập khẩu lên đến khoảng 2,5 triệu tấn gạo và có thể mua thêm 1,5 triệu tấn trong năm 2024.
Cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Theo các chuyên gia phân tích, cầu tăng trong khi cung chưa có dấu hiệu cải thiện sẽ tiếp tục là “cửa sáng” cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Bởi thực tế năm 2023 ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thì Thái Lan và Việt Nam – hai quốc gia chiếm thị phần lớn trên thị trường đã “hưởng lợi”. Trong đó, Thái Lan – chỉ tính trong 11 tháng của năm 2023 đã xuất khẩu gần 8 triệu tấn; còn Việt Nam trong năm 2023, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo xuất khẩu đạt trên 8 triệu tấn với trị giá kỷ lục là 4,78 tỷ USD.
Do vậy, năm 2024 sẽ tiếp tục là cơ hội cho các quốc gia có chiếm thị phần lớn trên thế giới như Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia cũng dự báo rằng, giá gạo thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2024 và người bán vẫn chiếm lợi thế trong quyết định về giá.
“Nhu cầu gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó các quốc gia có nhu cầu lớn gồm Philippines, Indonesia. Đối với nguồn cung gạo, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024, trong khi đó tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn. Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng để giá gạo giữ vững mức cao đến giữa năm 2024”– ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định.
Lưu ý cho doanh nghiệp
Cơ hội hiện hữu là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao để tiếp tục tận dụng cơ hội và gia tăng xuất khẩu là vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Điều này xuất phát từ chỗ, giá xuất khẩu ở mức cao đã kéo giá nội địa tăng mạnh, thậm chí tăng cao hơn so với giá xuất khẩu. Cùng với đó, những tháng cuối năm 2023 lượng gạo trong dân không còn nhiều khiến doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải mua cao để trả nợ hợp đồng hoặc dè dặt trong ký kết đơn hàng mới, dẫn tới nhiều nhà nhập khẩu chọn quốc gia khác để mua gạo.
Phân tích cụ thể, ông Phan Văn Có- Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, việc giá gạo biến động tăng quá nhanh trong thời gian qua dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký. Đó là chưa kể, các tháng cuối năm nguồn gạo trong nước gần như “cạn” do doanh nghiệp đã bán hết – cũng là khó khăn cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng mới. “Giá gạo của chúng ta hiện ở mức rất cao là tốt nhưng mặt khác cũng khiến doanh nghiệp mất cơ hội bởi đối tác chọn nhà nhập khẩu có giá cạnh tranh hơn”- ông Có chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, để tranh thủ cơ hội, từ cuối năm 2023 nhiều doanh nghiệp và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tranh thủ xuống giống vụ lúa Đông xuân. Điều đáng mừng là vụ lúa Đông xuân của Việt Nam dự báo sẽ thu hoạch rộ từ sau Tết Nguyên đán – tức là khoảng tháng 2 – 3/2024. Do vậy đây sẽ là cơ hội cho lúa gạo Việt Nam trong năm 2024.