Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp (giá phân bón, thuốc BVTV…) tăng cao, các doanh nghiệp phân bón đầu ngành đã nghiên cứu, trình diễn và triển khai nhiều mô hình canh tác hiệu quả.
Điểm chung của các mô hình này là áp dụng giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào, chủ yếu là giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng đảm bảo năng suất, thu nhập cho nông dân…
Doanh nghiệp chia sẻ giải pháp canh tác giảm phân bón
Vụ đông xuân vừa qua, anh Huỳnh Văn Sang (ấp Tân Định, xã Tân Lập, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) quyết định “thử” canh tác 3 công lúa theo mô hình trình diễn của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau.
Cụ thể, anh Sang áp dụng các giải pháp được hướng dẫn, như: Sử dụng lượng giống gieo sạ khoảng 150kg/ha (giảm 50kg/ha so với cách làm truyền thống); lượng phân bón giảm khoảng 100kg/ha; áp dụng chu kỳ bón phân theo hướng dẫn ứng với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển, như: đẻ nhánh, làm đòng, trổ…
Kết quả, năng suất lúa đạt bình quân 8,34 tấn/ha (tăng 400kg/ha) và lợi nhuận đạt khoảng 25,57 triệu đồng/ha (cao hơn 4 triệu đồng/ha so với cách canh tác truyền thống).
“Trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh như hiện nay, những giải pháp kỹ thuật này rất quan trọng”, anh Sang chia sẻ.
Theo nông dân này, đầu tháng 4 tới, anh sẽ canh tác 3ha lúa của mình theo mô hình được hướng dẫn.
Phương thức canh tác mà anh Huỳnh Văn Sang nhắc đến, theo ông Lâm Văn Thông – Trưởng phòng Giải pháp thị trường Phân bón Cà Mau là bón 4 lần cho một vụ lúa.
Công thức bón này giúp giảm 2 lần bón phân so với cách làm truyền thống. Đồng thời, cũng giảm khoảng 100kg/ha phân bón so với lối canh tác cũ.
Thực tế, thời gian qua hàng loạt các doanh nghiệp phân bón đầu ngành như: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM)… cũng đã triển khai nhiều mô hình trình diễn để nông dân “mắt thấy, tai nghe” những giải pháp kỹ thuật, vừa giúp tiết giảm chi phí, vừa tăng hiệu quả canh tác.
Tại Công ty CP Phân bón Bình Điền – mô hình canh tác lúa thông minh đã được rất nhiều bà con nông dân khu vực ĐBSCL áp dụng cho đồng ruộng từ nhiều năm nay.
Ông Phan Văn Tâm – Giám đốc Marketing (Công ty Bình Điền) cho biết, năng suất lúa trong mô hình tăng 200 – 400kg/ha so với đối chứng. Lợi nhuận thu được tăng 1,4 – 4 triệu đồng/ha.
Theo ông Tâm, Bộ NNPTNT đang khuyến khích nhân rộng mô hình. Công ty Bình Điền đang có kế hoạch kết hợp với các đơn vị phân tích chất lượng sản phẩm lúa gạo, nhằm xây dựng quy trình sản xuất thông minh để nông dân có thể dễ dàng áp dụng và hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến xuất khẩu.
Gỡ nút thắt trong canh tác khi giá phân bón tăng
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) cho hay, qua việc trực tiếp đi khảo sát các mô hình trình diễn của một số doanh nghiệp, điểm đáng ghi nhận là thông qua mô hình, người nông dân đã tự biết điều chỉnh giống gieo sạ cho phù hợp.
Nông dân cũng biết chọn và bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa; phun xịt thuốc trừ sâu đúng lúc, quản lý nước ướt khô xen kẽ… vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
“Từ hiệu quả của chương trình, chúng tôi đề nghị các địa phương phối hợp cùng các cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học của các doanh nghiệp phổ biến mô hình này ra rộng khắp cho bà con nông dân trồng lúa vùng đất nhiễm phèn, mặn, giúp bà con nâng cao hiệu quả canh tác ngay từ những vụ mùa sắp tới”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đạt, hiện Cục BVTV đã ký kết với 23 doanh nghiệp thực hiện các mô hình trên các loại cây trồng khác nhau.
Từ đó, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào, nhưng lại góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp giúp bón phân hợp lý, tiết kiệm; bón phân để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phèn, giảm mặn, thân thiện môi trường…
“Hiện Cục BVTV đã công bố 15 mô hình trên website của Cục để bà con nông dân tham khảo, học hỏi”, ông Đạt nói thêm.
Quốc Hải