(VLO) Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp-PTNT), hiện nay độ mặn đang có xu hướng tăng. Do vậy, đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn, theo dõi cập nhật các bản tin SMS về xâm nhập mặn để có phương án chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, cần cập nhật kịp thời các bản tin dự báo mặn để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí mùa vụ hợp lý với các diễn biến nguồn nước, vận hành hệ thống công trình ứng phó, tăng cường lấy nước ngay khi có thể và kết hợp tưới tiêu tiết kiệm, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn.
Đối với lúa dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng; khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,8‰). Đối với rau màu, hoa kiểng cần thận trọng hơn, có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới.
Đối với cây ăn trái, sầu riêng là cây nhạy cảm nhất đối với mặn nên cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới trong thời gian mặn xâm nhập. Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.
Vụ Hè Thu 2022, hiện toàn tỉnh đã xuống giống trên 4.100ha, đạt trên 8,8% so với kế hoạch vụ. Trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
NGUYÊN KHANG