‘Câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn của Quế Lâm đã hướng tới những giá trị cao hơn lợi nhuận, là sứ mệnh cao cả’, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan xúc động với triết lý làm nông nghiệp của Quế Lâm
Phải có mô hình như của Quế Lâm mới lan tỏa được nông nghiệp hữu cơ
Ông Nguyễn Hồng Lam giữ chức Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam
Đã làm thì phải thành công để đi ra thế giới không ai dám khinh mình
Cao hơn lợi nhuận, đó là sứ mệnh cao cả
Trong tuần lễ công tác đầu tiên của năm mới 2022, ngày 11/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh Đồng Tháp đã thăm và làm việc với Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đây là chuyến thăm và làm việc chính thức lần thứ hai của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với Tập đoàn Quế Lâm trong bối cảnh tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, bền vững đang có những bước chuyển biến tích cực.
Còn nhớ cách đây gây một năm, vào những ngày đầu nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã lựa chọn thăm và làm việc với Tập đoàn Quế Lâm. Chứng kiến thành tựu sau mấy mươi năm theo đuổi con đường nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm và Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng ông xúc động với triết lý làm nông nghiệp đó, khẳng định nông nghiệp hữu cơ là nơi tập hợp những người làm nông nghiệp tử tế, cần phải có một hệ sinh thái để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi tư duy nhận thức người nông dân.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, hệ sinh thái nông nghiệp tử tế mà Bộ trưởng đề cập đang hoàn thiện ở Thừa Thiên – Huế.
Ngoài Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F, tổ hợp kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp độc đáo tiên tiến lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam được xây dựng thần tốc ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, tại tỉnh này Quế Lâm đã liên kết với các hợp tác xã và hàng trăm hộ nông dân sản xuất nông sản hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học với khoảng 500 ha lúa và các cây hoa màu các loại, khoảng 250 lợn nái và 5.000 lợn thịt ở thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, Quảng Điền…
Điều quan trọng hơn cả, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi mô hình Quế Lâm liên kết với người dân đã trở thành một mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Có lẽ chính vì vậy, sau khi thị sát Tổ hợp 4F và các mô hình liên kết ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nhấn mạnh, ông cảm thấy trân quý những đóng góp của Quế Lâm, không chỉ với riêng vai trò dẫn dắt người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn mà còn là những giá trị đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Từ Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp và nhiều địa phương hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm cho thấy câu chuyện về hành trình làm nông nghiệp tử tế và trách nhiệm của Quế Lâm, đặc biệt là hành trình phục hồi chất dinh dưỡng trả lại cho đất là câu chuyện tỉnh thức cho tất cả chúng ta.
Kể những câu chuyện trong hai cuốn sách Cuộc cách mạng của một cọng rơm và Quả táo thần kỳ của Kimura, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ hành trình gian nan của những người nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đó không đơn thuần là nghề nữa mà là đạo, thiêng liêng và bằng tất cả tình cảm, sự tôn trọng, trách nhiệm với con đường nông nghiệp họ theo đuổi.
“Khi đọc những cuốn sách đó tôi vẫn thường nhớ tới ông Nguyễn Hồng Lam. Câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn của Quế Lâm đã hướng tới những giá trị cao hơn lợi nhuận, là sứ mệnh cao cả. Chúng ta đang nói nhiều đến phát triển bền vững và nên suy nghĩ đơn giản bền vững là đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước, đừng vì tăng trưởng nóng mà để lại thế hệ sau những mảnh đất chai cằn. Phải làm sao để nhà quản lý, người nông dân chúng ta thay đổi được suy nghĩ như thế, đó mới là cốt lõi của nông nghiệp tuần hoàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Nhắc lại sự kiện Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane thăm và làm việc với Tập đoàn Quế Lâm cuối năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, “tôi vẫn thường suy nghĩ tại sao một chuyến thăm mang ý nghĩa ngoại giao chính trị giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào mà Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane lại giành thời gian để đi thăm một mô hình làm nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm và mời hợp tác đầu tư? Đó là vì nông nghiệp hữu cơ với nhiều nước trên thế giới họ trân quý, nâng niu và mong muốn, còn với chúng ta, đâu đó trong bộn bề lo toan tăng trưởng đôi khi vẫn còn đang xem nhẹ vấn đề này”.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam có một chiến lược dài hạn để hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Muốn như thế cần phải thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn, lan tỏa nông nghiệp hữu cơ mạnh mẽ hơn.
“Thế giới ngày này không biết thế nào là nhỏ, thế nào là lớn, cái nào là chính cái nào là phụ mà phải tổng hòa các giá trị. Lan tỏa giá trị nông nghiệp hữu cơ không phải nhìn vào diện tích bao nhiêu, thu nhập bao nhiêu, đóng góp ngân sách bao nhiêu mà phải xét đến cả những giá trị vô hình. Có thể GDP không cao nhưng là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, là mục tiêu phát triển bao trùm, tăng trưởng bao trùm và đến với cả xã hội chứ không phải với một nhóm người”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Một hệ sinh thái của nền nông nghiệp trách nhiệm
Khẳng định Tập đoàn Quế Lâm là một hệ sinh thái của nền nông nghiệp trách nhiệm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng những địa phương liên kết làm nông nghiệp hữu cơ cần phải xây dựng những khát vọng lớn hơn, ước mơ lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, sau nhiều thập kỷ kiên định xây dựng các mô hình liên kết, đến thời điểm này Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành từ Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hộ nông dân để trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà phê, các giống lúa như ST24, ST25, lúa tôm… và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt.
Ngoài ra Quế Lâm cũng đã ký kết hợp tác với các cơ quan ban ngành để giám sát, thực hiện “Quy trình chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch – bền vững”, kết hợp chuyển giao công nghệ vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn cho các hộ nông dân, hợp tác xã.
Từ hợp tác, liên kết, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, người nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cùng với họ tạo ra những chuỗi giá trị nông sản hữu cơ như chuỗi lúa gạo hàng năm tiêu thụ hàng ngàn tấn và chuỗi thịt lợn tiêu thụ hàng chục ngàn con.
Bài học hợp tác, liên kết để lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để thay đổi tư duy trong nông nghiệp, theo ông Nguyễn Hồng Lam là phải có lòng tin và khát vọng.
“Về cơ chế chính sách, về định hướng phát triển thì Đảng, Nhà nước đã xác định rất rõ rằng nền nông nghiệp Việt Nam phải là kinh tế nông nghiệp, phải là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Vấn đề là phải có lòng tin và khát vọng để thực hiện. Khát vọng, quyết tâm của hệ thống chính trị, của Bộ NN-PTNT, những người ở trong bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các địa phương, khát vọng của nhà khoa học, doanh nghiệp và khát vọng của người nông dân”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lam, những năm qua Quế Lâm liên tục ký hợp tác với rất nhiều tỉnh thành để sản xuất, lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, chỉ những địa phương nào mà lãnh đạo đứng đầu mong mỏi thực sự, có khát vọng thực sự thì Quế Lâm mới hợp tác, bởi nếu người đứng đầu không thay đổi nhận thức, tư duy thì không thể mong địa phương đó thay đổi, người dân ở đó thay đổi.
Bài học thực tiễn ở Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Hà Tĩnh cho thấy rõ, chỉ khi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thực sự quyết liệt, thực sự có khát vọng mới có thể thành công. Ví dụ ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận thức, tư duy về nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đến thời điểm này đã xác định sản xuất trước hết là để phục vụ chính người dân địa phương nên từng xã, từng huyện có những chuyển biến, lan tỏa hết sức mạnh mẽ.
Chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về khát vọng của Tập đoàn Quế Lâm và Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Lam mong muốn chung tay gánh vác với Bộ NN-PTNT để chuyển giao những mô hình hiệu quả về nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm, lan tỏa và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nền nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau…
“Chúng tôi hứa với Bộ trưởng đã làm được rồi sẽ làm tốt hơn. Bằng tình yêu và trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng, bằng những kết quả đã thể hiện chúng tôi muốn gửi một thông điệp đến với tất cả mọi người là hãy tin nhau đi, vì chỉ có lòng tin mới có thể đến với nhau để làm nên một câu chuyện đẹp, câu chuyện về làm nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.
Hoàng Anh