Cuộc xung đột Ukraine, cùng với sự gián đoạn liên quan đến biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới, có thể tạo ra khủng hoảng nhân đạo và bất ổn lương thực.
Tất cả những vấn đề trên gộp lại đang tiếp tục gây ra những thiệt hại về tài chính lớn trên quy mô toàn thế giới và phản ánh sự mong manh của địa chính trị.
Theo giới quan sát, quốc kỳ Ukraine nổi tiếng là một hình ảnh tượng trưng cho những cánh đồng lúa mì vàng của đất nước này dưới bầu trời trong xanh. Tuy nhiên biểu tượng đồng quê thanh bình đó hiện đang mang một tông màu u ám hơn rất nhiều sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, do tầm quan trọng của cả hai nước đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Thậm chí ngay cả khi vấn đề lương thực không phải là mục tiêu trực tiếp, chiến sự và xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực ở cả hai nước và trên toàn thế giới, điều này có thể gây ra những bất ổn lan rộng.
Cả hai nước này vốn là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ năm trên toàn cầu, trị giá hơn 11 tỷ USD, Nga và Ukraine đều là những nguồn cung ngũ cốc thiết yếu cho thế giới. Trong khi lúa mì không phải là mặt hàng quan trọng duy nhất hứng chịu sức ép từ cuộc chiến, nhưng nó lại có vai trò to lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu như một loại cây trồng chủ lực.
Ước tính có tới hơn 2,5 tỷ người trên toàn thế giới tiêu thụ lúa mì, trong đó có một tỷ lệ số dân số đáng kể ở nhiều khu vực nằm trong diện bất ổn và mất an ninh lương thực.
Với việc giá lúa mì toàn cầu đang đứng ở mức cao nhất trong một thập kỷ, khiến cho nguồn cung thế giới thắt chặt hơn hoặc giá tăng đột biến sẽ làm tăng khả năng xảy ra thảm họa nhân đạo, cũng như nguy cơ bất ổn xã hội và thậm chí xung đột thứ cấp. Còn nhớ hồi năm 2007–08, giá lúa mì trên thị trường quốc tế và gạo tăng vọt đã khơi mào cho Mùa xuân Ả Rập 2011 bùng phát.
Hiện Ukraine vẫn là nhà cung cấp lúa mì đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Bắc Phi và Trung Đông, khu vực vốn đang phải vật lộn với các vấn đề quản trị và bất ổn. Khu vực này bao gồm Yemen đang bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của chiến tranh và nạn đói; Tunisia thì vẫn đang phải vật lộn với sự mong manh về chính trị; và Ai Cập, vốn có lịch sử về các chính sách gây bất ổn xã hội liên quan đến giá lương thực.
Giới chuyên gia nhận định, ngay cả một đợt tăng giá lương thực ngắn hạn cũng có thể dẫn đến kết quả bi thảm, khó lường đối với những quốc gia chuyên nhập khẩu cái ăn này, đơn giản là họ không thể mua lúa mì với giá cao hơn – bởi trên thực tế, những thảm họa đó có thể đã xảy ra.
Ngoài ra cuộc xung đột có thể có những tác động dây chuyền khác đối với ngành nông nghiệp vì cả Nga và Ukraine đều là hai nước xuất khẩu phân bón cũng như năng lượng, và việc cắt giảm các mặt hàng xuất khẩu này sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức của chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch vốn đã đẩy giá các nguyên liệu đầu vào nông nghiệp thiết yếu này lên cao.
Hơn nữa, sự bất ổn về khí hậu như hạn hán và mưa lũ bất thường cũng đã và đang ảnh hưởng đến nền sản xuất nông nghiệp trên khắp thế giới, bao gồm cả quốc gia hùng mạnh Mỹ. Với việc biến đổi khí hậu toàn cầu góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng chồng chất, đe dọa đè bẹp các công cụ quản lý rủi ro hiện có, nguy cơ xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu là hiện hữu, ít nhất là trong lịch sử gần đây.
Ở những khu vực mà tình trạng mất an ninh lương thực bùng phát do nạn đói và bạo lực, di cư có thể trở thành một chiến lược đối phó khả thi duy nhất cho hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người.
Báo cáo Ủy ban Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng trước cảnh báo rằng, không chỉ khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng lượng người di cư ở tất cả các khu vực, mà tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cũng cũng đang làm gia tăng căng thẳng ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ.
Để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về lương thực trong thời gian ngắn, các chính phủ và các tổ chức quốc tế nên cảnh giác về nguy cơ xảy ra nạn đói mới. Điều này có nghĩa là cần phải gấp rút xây dựng các kịch bản chống chịu với các cú sốc, vốn đang ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ. Theo đó, yếu tố quan trọng để nắm bắt và dự báo tốt hơn chính là thông qua hệ thống giám sát liên tục và cảnh báo sớm.
Các tài liệu cho thấy, nạn đói từng là một hiện tượng khá phổ biến trên toàn thế giới, nhưng nhiều thập kỷ nghiên cứu đã dẫn đến những lợi ích lớn về năng suất nông nghiệp và sự suy giảm về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Đồng thời, nghiên cứu đó không đủ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi cấp độ hệ thống trong các hệ thống nông sản thực phẩm toàn cầu phức tạp, vốn được kết nối với nhau.
Do vậy các quốc gia nên đầu tư nhiều hơn, không chỉ vào khoa học nông nghiệp, mà còn vào khoa học về các biện pháp can thiệp chính sách hiệu quả để giảm nguy cơ bất ổn lương thực, và đặc biệt là rủi ro đối với các loại cây trồng chủ yếu như lúa mì và ngô. Tất cả các nghiên cứu cần phải được đánh giá liên, đa ngành, minh bạch và hướng tới việc cải thiện khả năng phục hồi của các hệ thống lương thực- thực phẩm để chống sốc, cũng như hướng tới việc nắm bắt được các mối liên hệ phức tạp giữa an ninh lương thực và hòa bình.
Khả năng chống chịu của nông nghiệp tốt hơn cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế nhiều hơn. Điều này có vẻ không thực tế trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, nhưng bất kể điều gì đang xảy ra trong các mối quan hệ song phương, các quốc gia vẫn nên hợp tác khi xảy ra khủng hoảng thiếu lương thực và thực phẩm.
Hiện Mỹ và nhiều quốc gia cùng các tổ chức quốc tế đang phải cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp cho Ukraine và có thể sắp tới sẽ là hàng triệu người trên thế giới do nguồn cung lương thực bị gián đoạn. Theo các chuyên gia, điều đó cần thiết phải có tầm nhìn xa, dài hạn hơn đối với vấn đề nông nghiệp, xung đột và khả năng phục hồi. Trong khi cuộc xung đột hiện tại có thể phát sinh một cuộc khủng hoảng lương thực rộng lớn hơn, thì đây sẽ không phải là cú sốc lớn cuối cùng đối với hệ thống lương thực.
Hà Dương
(Boston Globe)
https://nongnghiep.vn/bao-dong-tinh-trang-khan-cap-luong-thuc-tai-nhieu-quoc-gia-d319246.html