Từ khi EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU luôn là điểm sáng trong bức tranh tăng tưởng.
Hôm nay (1/8) tròn 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định được ví như con đường cao tốc kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – EU cả về thương mại và đầu tư.
Từ khi EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU luôn là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng thương mại nói riêng và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo Eurostats, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của EU, tính từ thời điểm năm bắt đầu thực thi năm 2020 mới chỉ tăng 0,1%, đến năm 2021 là 11,7% và đến năm 2022 tăng gần 27%.
Hai mặt hàng đã có bước tăng trưởng vượt bậc ngay trong năm đầu tiên thực thi là cà phê tăng trên 62%, hạt tiêu tăng trên 81%.
Sang năm thứ 2 ghi nhận mức tăng trưởng thêm nhiều nhóm hàng khác như: dệt may tăng 16,7%, gạo tăng gần 43%, hạt tiêu tăng trên 81%, thủy sản tăng trên 22,7%.
Đối với những mặt hàng trước đây chưa tiếp cận được thị trường EU như máy móc, thiết bị… cũng đã có mức tăng trưởng trên 20%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua giấy chứng nhận xuất xứ có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%. Như vậy, khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay sang EU đã được nhận ưu đãi, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà Việt Nam đạt được trong Hiệp định CPTPP.
Đáng chú ý, không chỉ kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong khối là các nước Tây Âu truyền thống như: Đức, Hà Lan, Pháp tăng cao, mà các thị trường nhỏ, thị trường ngách tại Bắc Âu, Đông Âu cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận.
Tăng trưởng khả năng thực thi EVFTA
Gia tăng xuất khẩu sang EU không chỉ đơn thuần tăng về số lượng, mà đã có dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm hàng có giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây.
Với mặt hàng gạo, EU yêu cầu chất lượng gạo rất cao. Đến nay giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU tăng gần 43%. Giá trung bình cao khoảng gấp đôi so với giá xuất khẩu sang các thị trường khác. Thủy sản cũng tương tự như vậy, giá trị gia tăng nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng sạch, chế biến sâu.
Ao tôm đạt ASC – chứng nhận quan trọng để xuất khẩu vào EU. Hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA được thực thi, thị trường được mở rộng, những con tôm sạch tại đây không đủ để bán.
“Châu Âu là lục địa già, là thị trường khó tính, tuy nhiên chúng tôi rất tự tin tưởng với sản phẩm những sản phẩm xứng tầm, như vậy giá trị sẽ được tăng lên đáng kể”, ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, cho biết.
Câu chuyện con tôm đã cho thấy thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch, nghĩa là người tiêu dùng không chỉ yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào.
“Người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Trong số đó là những sản phẩm được “bảo hộ chỉ dẫn địa lý” theo quy định của EVFTA. Đặc biệt là các sản phẩm do nông dân áp dụng các các quy trình sản xuất sinh thái và đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới và công nghệ để tạo ra những hệ thống nông trang bền vững”, ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp của Liên minh châu Âu, cho hay.
“Cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam, đầu tư, sản xuất sau đó xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ. Khi đó, chúng ta không chỉ tăng đầu tư mà còn tăng thu mua nguyên liệu trong nước, tăng kim ngạch xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, nhận định.
Rõ ràng với doanh nghiệp, tận dụng các ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA chỉ là một phần. Quan trọng hơn đó là tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối của các hệ thống siêu thị ở châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Cái doanh nghiệp Việt Nam cần hiện nay là công nghệ, cách tiếp cận chính xác với nhu cầu thị trường. Chúng tôi cũng thúc đẩy tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp đi sâu vào từng địa phương, từng ngành hàng. Đối với từng thị trường chúng tôi có hệ thống thương vụ để có thể hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn tại địa bàn, định hướng tiêu dùng, cung cấp thông tin cập nhật mới nhất”, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, thông tin.
Bộ Công Thương cho biết, phải sau 3 năm thực thi, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Do vậy, đây là thời điểm ưu tiên đẩy mạnh công tác thực thi tốt hơn, khẳng định giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam trong bối cảnh biến động giá cả trên thế giới làm giảm tổng cầu của thị trường EU.
Nguồn: VTV