Từ nay đến cuối năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – “vựa lúa” của cả nước- còn dư khoảng 3 triệu tấn gạo có thể phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong vụ đông xuân 2021-2022 tới, vùng này có khả năng thiếu hụt hàng chục ngàn tấn giống.
Tổ công tác 970 vừa có báo cáo kết quả hoạt động chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19.
Tổ công tác 970 cho biết tính đến hết tháng 8-2021, sản lượng lúa các tỉnh Nam bộ ước đạt 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, sản lượng trong những tháng còn lại của năm nay sẽ đạt 8,78 triệu tấn.
Với sản lượng như nêu trên, theo Tổ công tác 970, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL còn thừa khoảng 3 triệu tấn quy gạo, có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
Trong khi đó, vụ đông xuân 2021-2022 tới, vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu héc ta, trong đó, xuống giống sớm khoảng 250.000-300.000 héc ta vào tháng 10-2021 nhằm “né” hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra ở các tỉnh ven biển.
Ngoài ra, trong các tháng 11 và 12-2021, sẽ xuống giống khoảng 600.000 héc ta mỗi tháng và một phần nhỏ diện tích còn lại sẽ xuống giống trong tháng 1-2022.
Với diện tích xuống giống như nêu trên, ước tính nhu cầu lúa giống cho cả vụ khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, các công ty sản xuất, kinh doanh giống lúa và Viện lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 100.000 tấn; các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50.000-70.000 tấn. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 30.000-50.000 tấn so với nhu cầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp nông dân gieo sạ với mật độ khoảng 150 kg/héc ta thì nhu cầu giống vụ đông xuân 2021-2022 tới là khoảng 225.000 héc ta, tức nhu cầu giống thiếu hụt khoảng 55.000-75.000 tấn. Còn trường hợp nông dân gieo sạ khoảng 120 kg/héc ta thì dự kiến con số thiếu hụt khoảng 10.000-30.000 tấn.
(Nguồn Trung Chánh, Theo KTSG Online)