Việt Nam luôn luôn quan tâm và hỗ trợ Châu Phi giải quyết các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và thiếu đói.
Châu Phi đang đối diện với nguy cơ thiếu đói và suy dinh dưỡng
Theo TS Trần Thùy Phương – Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), bất chấp những tiến bộ trong những thập kỷ gần đây, số lượng người thiếu đói ở Châu Phi vẫn cao, trong bối cảnh số lượng người đói ở thế giới giảm xuống.
Năm 2018, số lượng người thiếu đói toàn châu lục khoảng 255 triệu người, lớn nhất là ở khu vực Trung Phi (133,1 triệu), Tây Phi (56,1 triệu), Đông Phi (44,6 triệu), Bắc Phi (17 triệu), Nam Phi (5,3 triệu); đạt 282 triệu người vào năm 2020.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở Châu Phi cũng cao; tỉ lệ suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ em dưới 5 tuổi gia tăng. Dự báo vùng Sahel và khu vực Tây Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng, ước tính khoảng 41 triệu người trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2022.
“Bên cạnh đó, những tác động khách quan ảnh hưởng mạnh đến chất lượng dinh dưỡng của Châu Phi gồm: Biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, dịch bệnh COVID-19; đe dọa hàng triệu người thiếu ăn và suy dinh dưỡng, gây hậu quả suốt đời đối với sức khỏe thể chất và sự phát triển tinh thần, cản trở sự thịnh vượng của cộng đồng” – TS Trần Thùy Phương nhấn mạnh.
Cuộc khủng hoảng gần đây giữa Nga và Ukraine cũng khiến số lượng người bị đói ở châu Phi gia tăng bởi vì phần lớn các nước Châu Phi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ cả Nga và Ukraine. Điều này đe dọa đến lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Châu Phi đến năm 2030 và Chương trình nghị sự đến năm 2063 của Liên minh Châu Phi. Theo một nghiên cứu, ước tính các nước Châu Phi mất khoảng từ 1,9% đến 16,5% GDP do trẻ em bị thiếu dinh dưỡng.
Việt Nam luôn quan tâm và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của Châu Phi
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, mỗi năm, Châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn cho châu Phi, bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước Châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO – Châu Phi – Việt Nam, IFAD – Châu Phi – Việt Nam hoặc JICA – Châu Phi – Việt Nam… Nhờ vậy, năng suất lúa gạo và cá của một số nước Châu Phi tăng gấp đôi, phần nào đảm bảo sản xuất lương thực và protein cho người dân của một số nước Châu Phi.
TS Trần Thùy Phương cũng cho hay, nhiều chuyên gia của Việt Nam đã sang các nước Châu Phi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó Mozambique, Sierra Leone, Cộng hòa Guinea, Namibia, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hòa Congo… Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại chính quốc đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước Châu Phi.
Trong thời gian tới, nhiều quốc gia Châu Phi mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo chuyên gia, hỗ trợ các dự án nông nghiệp.
Để thực hiện nhu cầu đó, Việt Nam và Châu Phi nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính mới để tài trợ các bên trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng; thiết lập quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản…
Cụ thể như Sierra Leone, Tổng thống Julius Maada Bio vừa thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 14-20.3.2022) đề cao khả năng hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Sierra Leone, nhằm vào hai lĩnh vực trọng yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chứng kiến Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, Sierra Leone đặt mục tiêu tự cung cấp lương thực và lựa chọn Việt Nam là đối tác để học tập kinh nghiệm…
Nhân dịp Ngày Châu Phi 2022, ngày 25.5.2022, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi (VAECA) phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại Châu Á – Thái Bình Dương đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người” với sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế và trong nước.
Hội thảo gồm 2 phiên tọa đàm. Trong đó, phiên 1 tập trung về vấn đề tăng cường hợp tác ba bên: Nhu cầu và triển vọng; phiên 2 các đại biểu sẽ tập trung về các sáng kiến để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người ở Châu Phi.
Vũ Long