Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 27/11 đến 1/12. Sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo.
Là sự kiện hàng năm do The Rice Trader tổ chức, các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị nhấn mạnh vấn đề thương mại lúa gạo. Các giải pháp khoa học kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu giống, canh tác ruộng đồng… tuy không phải trọng tâm nhưng vẫn được đưa ra bàn thảo.
Một điểm sáng tại Hội nghị, Việt Nam đã giành giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”, làm tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.
Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng, theo đó Doanh nghiệp Hồ Quang – Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST 24, ST 25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Cần lưu ý rằng, giải “Gạo ngon nhất thế giới” được trao trong một hội nghị về thương mại lúa gạo. Đây không phải là cuộc thi gạo ngon nên tính chất và mức độ cạnh tranh không quá căng thẳng.
Giải thưởng này không có ban tổ chức, ban giám khảo, quy chế, tiêu chí dự thi, cơ cấu giải thưởng; cũng không không có giấy chứng nhận, lễ trao giải chính thức và không có truyền thông về hội thi lúa gạo…
Tuy vậy, việc được vinh danh tại sự kiện quốc tế là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để các thương hiệu Việt uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Hội nghị cũng là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thị trường và giá cả phù hợp.
Nhìn chung, kết quả giải thưởng tôn vinh giá trị gạo Việt Nam làm cho hầu hết những doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị đều phấn khởi, vui mừng và tự hào, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều lên bục nhận giải và có chung nhận định về tiềm năng và năng lực phát triển gạo Việt trong tương lai, đó chính là thành công lớn nhất của gạo Việt Nam tham dự hội nghị này.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: “Hội nghị của The Rice Trader đã góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt, tạo được mối quan hệ khách hàng, cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, sản xuất và thương mại trong nước, tiếp cận và giao lưu với thị trường gạo rộng hơn, mang lại hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng lúa gạo”.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vẫn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo và Trung Quốc giảm nhập khẩu, gây ra những thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, những biến động chính trị và cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia cũng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu.
Không chỉ có cái nhìn tổng quan về tình hình và diễn biến lúa gạo trong năm, những người tham gia còn thảo luận, dự đoán các biến động tiềm ẩn. Năm 2023, tình trạng căng thẳng trong nguồn cung cấp và giá cả của các ngũ cốc toàn cầu là một trong những chủ đề nóng được các chuyên gia lúa gạo bàn luận.
Các chuyên gia nhận định thêm, việc giá gạo tăng mạnh trong năm do thị trường ngũ cốc tuột dốc đã đặt ra câu hỏi quan trọng: quốc gia nào sẽ cung cấp lương thực trong năm 2024 rất khác biệt về nhu cầu khắt khe của khách hàng.
Trước những thách thức đó, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn được bạn bè thế giới công nhận. Điển hình, bài trình bày về sản lượng và giá trị nhập khẩu của các quốc gia đang cân đối lương thực cho thấy, 89% lượng nhập khẩu gạo trong năm 2023 của Philippine là từ Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, ưu thế của gạo Việt Nam so với các quốc gia khác rất rõ rệt do sự phát triển sản xuất lúa gạo và sự chủ động, linh hoạt trong xuất khẩu gạo.