VTV.vn – Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tính tự chủ, tự cung tự cấp là quan trọng nhất, không được trông chờ vào nguồn nhập khẩu.
Với mức bình quân đất sản xuất trên đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 43% mức trung bình của thế giới, để đảm bảo an ninh lương thực luôn là vấn đề khó của chính quyền. Bên cạnh đa dạng nguồn nhập khẩu khắp thế giới thì nước này luôn xác định yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo nguồn lương thực cho 1 tỷ 400 triệu dân là tự chủ sản xuất. Gần đây, khi thế giới đầy biến động, nhiệm vụ này càng cấp bách.
Ngay khi dịch bệnh bớt nghiêm trọng, nhiều địa phương ngoại ô, chính quyền Thượng Hải tạo điều kiện cho nông dân xuống giống lúa để hoàn thành kế hoạch xuống giống vụ mùa vào giữa tháng 6. Với thành phố tài chính, công nghiệp là chủ yếu nhưng Cấp ủy – chính quyền Thượng Hải vẫn luôn xem trọng nông nghiệp để đảm bảo nguồn lương thực – thực phẩm cho 25 triệu dân. Nhờ vậỵ, đợt phong tỏa cả thành phố, địa phương đã cơ bản giải quyết được nhu cầu thiết yếu cho người dân.
“Do kiểm soát dịch nghiêm ngặt nên phân bón không thể được vận chuyển đến hầu hết các trang trại gia đình. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban Nông nghiệp thành phố giúp chúng tôi mua và giao phân bón tận nơi kịp thời”, ông Lương Dung – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Mão Cương, Thượng Hải cho hay.
Trước những thách thức lớn từ kiểm soát dịch, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc nỗ lực đảm bảo sản xuất lương thực bằng cách hỗ trợ nông dân về giá phân bón.
Trước mắt, những người trực tiếp sản xuất lương thực được trợ cấp gần 3 tỷ 150 triệu USD. Để đảm bảo diện tích trồng ngũ cốc, Chính phủ nước này đã dành hơn 6 tỷ USD để giúp nông dân. Vụ lúa mì này, Trung Quốc gieo trồng gần 22,5 triệu ha.
Ông Đặng Tiểu Cương – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Nông thôn Trung Quốc cho hay: “Chúng tôi đẩy mạnh sản xuất, làm cách mạng về giống để tiến tới đảm bảo an ninh lương thực, giảm dần nhập khẩu. Nền tảng nông nghiệp vững mới góp phần để ổn định xã hội, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.
Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tính tự chủ, tự cung tự cấp là quan trọng nhất, không được trông chờ vào nguồn nhập khẩu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là giữ diện tích gieo trồng phù hợp, đầu tư mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập đậu tương, ngô nhiều nhất thế giới, với trên 110 triệu tấn. Năm 2022, Chính phủ nước này đặt mục tiêu đảm bảo sản xuất 650 triệu tấn lương thực cho nhu cầu tiêu dùng khoảng hơn 700 triệu tấn – một nhiệm vụ khá khó khăn.
Theo các chuyên gia, thiếu hụt lương thực khoảng 10%, xã hội có thể rơi vào tình trạng bất an. Do đó, để đảm bảo an ninh lương thực, Trung Quốc đã đầu tư mạnh cho sản xuất nông nghiệp để tiến tới tự chủ về lương thực. Gần đây, nước này đã tự chủ được về mặt hàng chiến lược thịt lợn.
Thái Bình (PV Đài THVN thường trú tại Trung Quốc)
https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-an-ninh-luong-thuc-tu-tu-chu-san-xuat-20220602063459254.htm