Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn tín dụng đang được hệ thống ngân hàng cho vay vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo. Trong đó, ngân hàng đặc biệt ưu tiên vốn cho các mô hình sản xuất lúa bền vững.
Tiền tỷ trên những cánh đồng lúa lớn
Theo số liệu thống kê của NHNN, đến thời điểm hiện nay trong số các ngành nông sản chủ lực thì lúa gạo vẫn là ngành được hệ thống Ngân hàng cả nước tập trung tài trợ nguồn vốn tín dụng lớn nhất.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tính đến hết tháng 8/2023, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt khoảng 103.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 9% so với cuối năm ngoái. Trên phạm vi cả nước, cũng tính đến thời điểm này, hệ thống các ngân hàng đã cho vay khoảng gần 200.000 tỷ đồng đối với sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo. Agribank là ngân hàng cung ứng nhiều vốn nhất cho lĩnh vực lúa gạo. Tín dụng cho lúa gạo của Agribank trong các năm 2021-2023 tăng đều đặn khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện ngân hàng này đã cho vay khoảng 58.000 tỷ đồng đối với các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đặt mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Do đó Agribank rất chú trọng vào khu vực này và đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp không chỉ với người nông dân, mà cả các đại lý, doanh nghiệp chế biến nhằm tạo chuỗi liên kết để mọi thực thể tham gia trên thị trường tiếp cận được sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Cùng với Agribank, các ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, MB, TPBank, Eximbank, SHB… thời gian qua cũng tập trung nguồn vốn khá mạnh cho lĩnh vực lúa gạo. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, 15 năm qua dư nợ lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL tăng trung bình 22%/năm và đạt trên 56.000 nghìn tỷ đồng, tính đến cuối tháng 8/2023. Trong khi đó, tại các địa phương trồng lúa trọng điểm như Đồng Tháp, Long An, An Giang… các chi nhánh VietinBank từ đầu năm đến nay cũng cho vay khoảng trên 1.500 tỷ đồng đối với lĩnh vực lúa gạo ở mỗi địa phương. Hiện dòng vốn tín dụng của ngân hàng tập trung khá mạnh vào các mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp lúa gạo lớn. Chẳng hạn, Agribank ngoài việc tài trợ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các dự án chuỗi giá trị lúa gạo của doanh nghiệp tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… ngân hàng cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ NN&PTNT trong việc phát triển Đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong năm 2022 vừa qua, các ngân hàng như BIDV, VPBank, HDBank cũng đã phối hợp với nhiều TCTD quốc tế tài trợ 12.000 tỷ đồng vốn cho Tập đoàn Lộc Trời để ký kết sản xuất, bao tiêu 2 triệu tấn lúa ở các tỉnh phía Nam.
Cần tạo cơ chế để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư
Sau gần nửa năm chuẩn bị các kế hoạch để triển khai “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, suốt tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT đã nhóm họp, bàn về các giải pháp để thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) đối với đề án này.
Tại đây, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, tổng mức đầu tư cho đề án này được tính toán là khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 3.000 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác. Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ khoảng 40 triệu USD theo cam kết tài trợ Dự án VnSAT giai đoạn 2024-2030 cho Đề án. Trong đó, 20 triệu USD là hỗ trợ không hoàn lại, còn 20 triệu USD dùng để mua 5%-10% tín chỉ carbon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải, nếu Việt Nam bán tín chỉ này trên thị trường thế giới. Về phía vốn tín dụng, ông Tùng cho biết, khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong 4 vụ đầu liên tiếp; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất, thời gian vay kéo dài trong 6 tháng tham gia liên kết.
Lợi nhuận từ trồng lúa tăng thêm 16.000 tỷ đồng Theo Bộ NN&PTNT, Đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đặt mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất. Theo tính toán, đề án này sẽ giảm được khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa trong giai đoạn 2024-2030. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên khoảng hơn 16.000 tỷ đồng với 1 triệu ha sản lượng 13 triệu tấn lúa. |
Theo thông tin từ Agribank, hệ thống ngân hàng này sẽ dành khoảng 2.700 tỷ đồng để phục vụ cho vay Đề án cũng như các dự án khác phối hợp với Bộ NN&PTNT liên quan đến hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Agribank, để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, đề án cần làm rõ hơn những ưu tiên về cơ chế, chính sách để huy động nhiều nguồn vốn khác tham gia tài trợ cho các địa phương. Đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khép kín.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT) cũng cho rằng, ngân sách cần đầu tư nhiều hơn cho xây dựng các vùng sản xuất lúa chuyên canh quy mô lớn. Theo đó, các địa phương cần chủ động kêu gọi doanh nghiệp tư nhân hợp tác PPP với Nhà nước để đầu tư hạ tầng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu và logistics để hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa đồng ruộng.
https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-thuc-day-san-xuat-lua-gao-ben-vung-144642.html