Vụ Đông Xuân 2021 – 2022, nông dân Tiền Giang xuống giống được trên 49.000 ha.
Hiện nay, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 20.000 ha, năng suất bình quân 71 tạ/ ha, cao hơn kế hoạch 0,2 tạ/ha và sản lượng trên 140.000 tấn lúa. Ước tính, với năng suất này, vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Tiền Giang đạt sản lượng gần 350.000 tấn lúa hàng hóa.
Đáng chú ý, các huyện, thị vùng kiềm soát lũ phía Tây như Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy… trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022 đã xuống giống được trên 27.000 ha. Nhờ chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp, thời tiết thuận lợi nên các địa phương đều được mùa, năng suất đạt khá cao, từ 72-76 tạ/ ha. Huyện Cai Lậy đạt năng suất cao nhất là 79 tạ/ ha.
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân còn lại đảm bảo ăn chắc, không để thiên tai hạn – mặn gây hại.
Là vụ sản xuất chính trong năm, Tiền Giang tập trung chỉ đạo tổ chức tốt sản xuất dựa trên cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai phù hợp với điều kiện địa phương khi trở lại bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Theo đó, tỉnh khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống tập trung tránh rầy và tránh hạn, mặn, đồng thời với ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp tạo tiền đề có một vụ mới bội thu bù đắp những thiệt hại do dịch COVID-19 trong năm vừa qua.
Đặc biệt, định hướng nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp, chú trọng sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt đưa vào sản xuất nhằm giảm nguy cơ thiên tai gây hại vừa nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa tham gia thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái như vùng kiểm soát lũ, vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngọt hóa Gò Công…
Ngoài ra, kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng, chống hạn mặn bảo vệ cây trồng. Mặt khác, có phương án phù hợp để ứng phó hạn, mặn trong mùa khô 2022 ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công; phương án phòng, chống lũ và triều cường ở các huyện vùng kiềm soát lũ phía Tây tỉnh…
Để bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân, trong mùa khô 2021 – 2022, tỉnh đầu tư gần 38 tỷ đồng thi công các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán diện rộng và xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào thượng lưu các tuyến sông ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Trong số đó, Tiền Giang triển khai đắp 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh trọng yếu, sửa chữa 4 cống nhằm nâng cao hiệu quả ngăn mặn, lấy ngọt vào nội đồng để đưa nước ngọt về tưới cho các cánh đồng sâu, xa.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp huyện quản lý cùng các nguồn huy động khác, UBND tỉnh giao các địa phương đồng loạt triển khai nạo vét 75 tuyến kênh mương nội đồng, kinh phí đầu tư gần 26 tỷ đồng; thi công thêm 19 cống lấy nước ngọt, kinh phí khoảng 30,9 tỷ đồng nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả khai thông dòng chảy, trữ nước ngọt trong nội đồng lấy nước tưới tiêu, phòng, chống hạn – mặn và giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2021 – 2022 cũng như tiêu thoát nước nhanh, phòng chống úng, bảo vệ sản xuất và đời sống trong mùa mưa lũ năm 2022 sắp tới.
Nhờ những giải pháp tích cực, địa phương đã vượt qua khó khăn, thách thức bởi thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện nay, toàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch, dự kiến sẽ dứt điểm và an toàn trước khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn vào cao điểm.
Nông dân Trương Văn Mận, cư ngụ tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy chia sẻ, trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, gia đình ông canh tác 1,8 ha. Hiện, ông đã thu hoạch xong toàn bộ, năng suất đạt 80 tạ/ha, thương lái thu mua giá 6.000 đồng/kg, mỗi ha lãi khoảng 30 triệu đồng.
Còn nông dân Nguyễn Văn Hiển, ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây tham gia mô hình sử dụng tiết kiệm phân bón trên cây lúa cho biết, trong vụ Đông Xuân, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, gia đình ông chỉ sử dụng 100kg giống gieo sạ trên tổng diện tích canh tác là 1,2 ha, giảm lượng phân 30% so với các vụ sản xuất trước kết hợp với áp dụng quản lý dịch hại theo IPM. Nhờ vậy, trong vụ này, chi phí sản xuất giảm khoảng 4 triệu đồng/ha trong khi trà lúa vẫn bội thu vừa bảo vệ được sức khỏe và môi sinh, môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, việc nông dân huyện Gò Công Tây hưởng ứng tham gia áp dụng mô hình tiết kiệm giống, phân bón trong sản xuất lúa vụ Đông xuân như trường hợp ông Nguyễn Văn Hiền là hướng đi đúng đắn và phù hợp trong canh tác thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện môi trường. Đặc biệt, tạo nền tảng phát triển thương hiệu “Gạo Gò Công” tại các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp phía Đông tỉnh Tiền Giang là Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công trong tương lai.
Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)