NAM ĐỊNH Theo nguyên tắc ‘nặng đầu – nhẹ cuối’, Nam Định khuyến cáo nông dân khẩn trương bón thúc cho lúa vụ đông xuân trước ngày 7/3.
Sở NN-PTNT Nam Định vừa gửi Công văn số 362 về việc đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ xuân 2022. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, thống kê, phân loại các trà, các giống lúa ở từng địa phương để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ kịp thời.
Đối với những diện tích cấy, sạ sớm, ít bị hoặc không bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các phòng NN-PTNT khẩn trương tiến hành bón thúc kịp thời cho lúa theo nguyên tắc “nặng đầu – nhẹ cuối”. Thời gian hoàn thành bón thúc cho lúa xuân đợt 1 trước ngày 7/3.
Cụ thể: Với lúa cấy, Sở NN-PTNT hướng dẫn bón thúc hai lần. Lần 1: Bón 5 – 6 kg ure và 2 – 3 kg kali mỗi sào (Bắc bộ). Nếu chưa bón lót đủ lượng 20 – 25 kg super lân/sào trước cấy, thì bổ sung 5 kg super lân.
Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái – làm đòng: Bón toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình cho từng nhóm giống lúa, đảm bảo lượng bón tương đương 3 kg kali/sào. Chỉ bón bổ sung phân đạm (1 kg urea/sào) cho những diện tích còn xấu.
Với lúa gieo sạ: Bón thúc lần 1 (khi lúa đạt 2 – 2,5 lá) 30% lượng phân NPK (loại chuyên dùng bón thúc) kết hợp dặm, tỉa. Bón thúc lần 2 (khi lúa đạt 5 – 6 lá) 70% lượng phân NPK (loại chuyên dùng bón thúc).
Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kết hợp mưa lớn từ ngày 19 – 21/2, một số diện tích lúa mới cấy, sạ bị táp lá, đen rễ và chết rải rác. Thống kê của Sở NN-PTNT Nam Định, toàn tỉnh có khoảng 380 ha lúa phải gieo cấy lại do bị chết rét và 1.500 ha lúa cần dặm tỉa.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết ấm dần lên trong đầu tháng 3/2022, là điều kiện thuận lợi cho việc cấy và chăm sóc lúa, màu vụ xuân. Bên cạnh hoàn thành gieo, cấy lúa xuân và cấy dặm cho những diện tích lúa bị thiệt hại, ngành nông nghiệp Nam Định sẽ rà soát, kiểm tra, điều tiết lượng mạ gieo bổ sung giữa các hộ dân, giữa các địa phương để đảm bảo cấy hết diện tích bằng mạ tốt.
Đối với những diện tích phải cấy dặm, những diện tích cấy lại sử dụng mạ dư thừa, mạ dự phòng hoặc tỉa từ ruộng gieo sạ dày, ruộng lúa tốt, Sở NN-PTNT Nam Định hướng dẫn nông dân tập trung giữ nước nông thường xuyên trên mặt ruộng để lúa nhanh hồi phục.
Đồng thời, người dân bón bổ sung 5 kg super lân/sào hoặc dùng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá như ET, KH… để phun qua lá giúp cây lúa phục hồi nhanh và ra rễ mới. Sau 3 – 5 ngày (với lúa cấy); hoặc đạt 2 – 2,5 lá (với lúa sạ), người dân bón thúc với lượng như lúa ít bị hoặc không bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Đối với những diện tích sạ lại, sạ bổ sung, người dân chỉ để nước ở rãnh trong 10 ngày đầu. Khi lúa đạt 2 – 2,5 lá, nước giữ ở mức 1 – 2 cm trên mặt ruộng, kết hợp bón 30% lượng phân NPK (loại chuyên dùng bón thúc). Khi lúa đạt 5 – 6 lá tiến hành bón thúc lần 2 với 70% lượng phân NPK (loại chuyên dùng bón thúc).
“Các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, từng bước thay thế phân bón vô cơ bằng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh gắn với xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi”, công văn 362 nhấn mạnh.
Bên cạnh việc chăm sóc cho quá trình sinh trưởng của lúa, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị các đơn vị chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa, trước mắt là giám sát mật độ rầy, thu thập, lấy mẫu giám định virus lùn sọc đen, tập trung diệt chuột, lúa cỏ, cỏ dại và ốc bươu vàng; đồng thời tránh để ngập úng hoặc khô hạn đối với diện tích gieo sạ.
Đối với rau màu, người dân chú ý xới nhẹ, phá váng, làm cỏ, và phun phòng bệnh lở cổ rễ trên cây lạc bằng thuốc có hoạt chất Hexaconazole.
Bảo Thắng
https://nongnghiep.vn/tap-trung-bon-thuc-cho-lua-sau-ret-d316942.html