Việc ứng dụng máy sạ lúa theo khóm vào khâu gieo sạ trong sản xuất lúa, áp dụng các tiến bộ về giống, về kỹ thuật canh tác không chỉ giúp nông dân tiết kiệm giống, mà còn tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sản xuất so với phương pháp sạ truyền thống.
Giảm lúa giống, nâng cao hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân ứng dụng vào sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, có triển khai ứng dụng máy sạ lúa khóm vào khâu gieo sạ.
Mới đây, vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình lúa sạ theo khóm tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình), quy mô 25,05ha với 31 hộ tham gia, mật độ sạ là 50 kg/ha, giống sử dụng là OM 18 cấp Xác nhận. Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa (máy sạ theo khóm) trong sản xuất lúa ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2023”. Cụ thể, dự án hỗ trợ 50% giống lúa xác nhận với định mức 50 kg/ha, 50% chi phí vật tư thiết yếu; 100% chi phí tập huấn cho nông dân tham gia mô hình,…
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tam Bình Nguyễn Văn Thành, cho biết: Dự án chọn địa bàn triển khai dự án tại xã Mỹ Lộc vì đây là một trong các xã trồng lúa của huyện đáp ứng được các yêu cầu: phù hợp với quy hoạch và định hướng sản xuất. Bên cạnh đó, đồng ruộng khá bằng phẳng, chân đất ruộng tốt, tập trung; hệ thống giao thông thủy lợi thuận tiện; nông dân thống nhất cao việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật của dự án vào sản xuất lúa.
Có 5 công ruộng tham gia mô hình, chú Nguyễn Văn Việt (Ấp 9- xã Mỹ Lộc), cho biết: “Tôi được hướng dẫn một số giải pháp chính trong giảm giống gieo sạ, phương pháp thăm đồng và quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Cán bộ kỹ thuật cũng theo dõi mô hình và hướng dẫn nông dân không nên phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ thiên địch trên ruộng. Do đó, áp lực sâu bệnh trên đồng ruộng không lớn lắm do gieo sạ mật độ thích hợp, bón phân cân đối… Lượng giống sử dụng trong mô hình đã giảm hơn phương pháp sạ lan truyền thống 50- 100 kg/ha, tiết kiệm được hơn 1/3 lượng giống so với trước. Năng suất cũng cao hơn so với những hộ ngoài mô hình, 37 giạ/1.000m2”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, cho biết: Dự án được triển khai rất cần thiết, giúp cho bà con nông dân có sự liên kết trong sản xuất, giảm được chi phí đầu tư, gia tăng năng suất chất lượng lúa, tăng thu nhập cho nông dân so với ngoài dự án.
Tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới
Nhiều nông dân tham gia mô hình, cho hay: Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hữu cơ nên góp phần bảo vệ môi trường. Dự án cũng đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn và tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, trang bị kiến thức sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững giúp người dân ứng dụng vào sản xuất ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Thành cũng cho biết thêm: Do sử dụng phân hữu cơ nhiều bộ rễ khỏe, bám đất tốt nên hạn chế đổ ngã. Nông dân phun 4 lần/vụ, kể cả thuốc trừ cỏ đầu vụ, giảm 1 lần so với các vụ trước đó tự sản xuất. Năng suất lúa trong mô hình đạt 7,2 tấn/ha. So với sản xuất ngoài mô hình, mô hình sản xuất có năng suất cao, lợi nhuận cao hơn 1 triệu đồng.
“Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều áp dụng phương pháp “ngập khô xen kẽ” đã giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã vào cuối vụ, đồng thời rửa trôi được chất độc do rơm rạ bị phân hủy và giúp cho đất được khoáng hóa tốt”- ông Thành cho hay. Theo ông Thành, mức hỗ trợ của Nhà nước là động lực kích thích nông dân tích cực tham gia mô hình, mạnh dạn canh tác theo phương pháp sạ lúa theo khóm. Nông dân tham dự tập huấn rất đầy đủ, áp dụng và tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Tuy nhiên, việc gieo sạ 50 kg/ha khiến một số bà con còn ngần ngại do đã quen với tập quán sạ dầy trên 150 kg/ha nên diện tích thực hiện mô hình chưa được liền kề. Thời tiết lúc gieo sạ gặp mưa nên ảnh hưởng đến phân tán giống ở mỗi khóm.
Do đó, để tạo thuận lợi trong nhân rộng mô hình, theo ông Thành, cần tiếp tục đầu tư trình diễn cho các xã khác nhằm giúp cho nhiều nông dân có điều kiện tiếp cận và học hỏi với phương pháp sạ mới. Qua đó, mạnh dạn đầu tư áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hướng đến sản xuất hình thành vùng nguyên liệu, cung ứng sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Song song đó, cần có cơ chế chính sách để kích thích hơn nữa đối với vùng nguyên liệu có chất lượng cao và đồng nhất.
Đặc tính giống OM18: Tỷ lệ nẩy mầm cao > 85%. Thời gian sinh trưởng trên đồng là 95- 100 ngày. Chiều cao cây từ 92- 95cm; bằng ngọn, bệnh cháy lá mức nhẹ. Nẩy chồi khá, cờ trung bình, ít sâu bệnh, cứng cây, bông to, đóng hạt khít, hạt đẹp, chất lượng gạo tốt. Trước khi gieo sạ tiến hành bón lót phân hữu cơ 800 kg/ha. Việc sử dụng phân hữu cơ trong bón lót đã tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây trồng phát triển khỏe, giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây và hạn chế tình hình sâu bệnh hại. Phần lớn các hộ bón phân cân đối NPK theo nhu cầu của cây lúa và thời kỳ sinh trưởng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Do đó giảm được lượng phân đạm dư thừa đáng kể so với tập quán canh tác trước đây, góp phần giúp cây lúa khỏe, hạn chế được sâu bệnh tấn công, giảm được từ 1- 2 lần phun thuốc hóa học. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG