Trong bối cảnh giá vật tư, chi phí sản xuất tăng cao, các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả và liên kết sản xuất đã giúp nông dân vượt khó khăn.
Hiệu quả cao 3 – 5 lần so với trồng lúa
Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2021 – 2022, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị cao tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục được các địa phương triển khai mạnh. Theo đó, đã có khoảng hơn 6.000 ha đất lúa được chuyển sang trồng các loại cây rau màu khác.
Trong đó, một số tỉnh có diện tích chuyển đổi lớn như Thanh Hóa (hơn 1.000 ha), Hòa Bình (hơn 2.000 ha)… Một số loại cây rau màu được các địa phương chuyển đổi có hiệu quả như: Cây dược liệu, dưa bao tử, ngô sinh khối, ớt, măng tây, rau các loại, cây lâu năm… Việc chuyển đổi đã góp phần gia tăng hiệu quả, giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân.
Nổi bật tại tỉnh Nam Định có mô hình chuyển đổi sang trồng dưa lê, rau các loại tại hợp tác xã (HTX) Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) quy mô 8 ha cho lợi nhuận cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa. Mô hình sản xuất liên kết và chế biến một số loại rau gia vị (rau má, rau ngót, tía tô, thanh long ruột đỏ…) của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh ở xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh) với diện tích 10 ha, cho lợi nhuận 80 triệu đồng/ha/vụ (cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa).
Mô hình chuyển đổi sang trồng rau màu các loại của HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tiến (Giao Thủy) với diện tích 30 ha, lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa… Mô hình sản xuất phân hữu cơ sử dụng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Yên Cường, Ý Yên) với quy mô 7 ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, hiệu quả cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.
Vụ đông xuân 2021 – 2022, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn với các HTX và hộ nông dân tại Nam Định cũng triển khai thực hiện được trên 600 ha/vụ, sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn/vụ lúa chất lượng cao. Lợi nhuận của hộ nông dân tham gia mô hình đạt 20 – 25 triệu đồng/ha, tăng 10 – 15% so với sản xuất đại trà.
Tại tỉnh Yên Bái, mô hình sản xuất rau cải mầm đá do HTX Nấm và dược liệu Nậm Khắt thực hiện tại xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) với diện tích hơn 4 ha đã đạt năng suất trung bình 30 tấn/ha. Thu nhập bình quân 600 triệu/ha, lợi nhuận đạt trên 400 triệu/ha (cao hơn 12 lần so với trồng lúa và 5 lần so với sản xuất các loại rau khác). Bên cạnh đó, thời vụ trồng rau từ tháng 11 năm trước và thu hoạch vào tháng 2 năm sau nên tăng hiệu quả khai thác sử dụng đất, không ảnh hưởng đến sản xuất lúa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng cao…
Tại tỉnh Bắc Giang, mô hình sản xuất hành tại xã Bảo Đài (Lục Nam) cho thu nhập trên 110 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất dưa bao tử với diện tích 10 ha tại các xã Quang Thịnh, Xương Lâm, Đào Mỹ (Lạng Giang) cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty, trường học, siêu thị, chuỗi cửa hàng… tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh cho thu nhập 130 triệu/ha…
Trụ vững trước khó khăn nhờ liên kết sản xuất
Theo Cục Trồng trọt, sau gần 4 năm thực hiện chính sách hợp tác, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Chính phủ (Nghị định 98), đến nay trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã có hơn 212.000 nông dân tham gia liên kết; hơn 1.700 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 464 doanh nghiệp tham gia trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về phát triển chuỗi lúa gạo, các tỉnh phía Bắc đã phát triển được 37 chuỗi liên với diện tích hơn 18.800 ha, sản lượng hơn 43.500 tấn, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 5,9%.
Về phát triển chuỗi rau màu, các tỉnh phía Bắc đã phát triển được 235 chuỗi liên kết với diện tích hơn 25.700 ha, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 12%.
Đến vụ đông xuân 2021 – 2022, tổng số dự án liên kết sản xuất theo chính sách của Nghị định 98 các tỉnh đã duyệt là 254 dự án với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có 380 tỷ đồng từ kinh phí ngân sách nhà nước.
Tổng số kế hoạch liên kết các tỉnh đã duyệt là 292 kế hoạch với kinh phí 387 tỷ đồng, trong đó có 249 tỷ đồng từ kinh phí ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân có hiệu quả cao đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.
Tại tỉnh Lào Cai, HTX Cồ Dề Chải, HTX Nông nghiệp Na Hối, HTX Rau quả sạch Bắc Hà thực hiện mô hình liên kết, thu mua hơn 13 ha rau các loại tại huyện Bắc Hà. Khi thực hiện liên kết, các hộ sản xuất an tâm khâu tiêu thụ nên tích cực chăm lo đồng ruộng, nhờ đó năng suất bình quân đạt trên 22 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt trên 300 triệu đồng/ha.
Tương tự, HTX Mai Anh, HTX Hoa Đào, HTX Thành Công thực hiện mô hình liên kết, thu mua 110 ha rau các loại cho người dân tại Thị xã Sa Pa; năng suất bình quân đạt hơn 19 tấn/ha, giá thu mua 8.000 đồng/kg; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 152 triệu đồng/ha.
Tại tỉnh Quảng Trị, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức liên kết với HTX Kim Long (Hải Quế, Hải Lăng) triển khai sản xuất 20 ha lúa hữu cơ, với giá thu mua là 11.000 đồng/kg lúa tươi. Kết quả năng suất lúa tươi bình quân đạt 65 tạ/ha, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi bình quân 28 triệu đồng/ha.
Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị cũng đã triển khai liên kết với các HTX, tổ hợp tác sản xuất 25 ha lúa hữu cơ trên địa bàn xã Gio Mỹ (Gio Linh). Theo đó, Công ty hỗ trợ 100% giống lúa và phân bón hữu cơ, thu mua lúa tươi tại ruộng cho nông dân. Năng suất lúa tươi bình quân ước đạt 5,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 137 tấn, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi bình quân 20 triệu đồng/ha.
Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị đã khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân…
Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất trong vụ đông xuân 2021 – 2022 tăng cao, các mô hình liên kết sản xuất đã giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, tiêu thụ thuận lợi và vượt qua được khó khăn.
Tại tỉnh Hải Dương, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô 309 ha tại một số xã thuộc huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà, kết hợp cấy các giống lúa chất lượng cao như J02, ST25 theo quy trình hữu cơ, gieo cấy bằng máy cấy – mạ khay, toàn bộ sản lượng lúa được các công ty bao tiêu… Kết quả, năng suất lúa đạt 75% so sản xuất lúa truyền thống nhưng giá bán cao hơn 1,5 – 1,7 lần.
Trung Quân
https://nongnghiep.vn/no-ro-chuyen-doi-dat-lua-va-lien-ket-san-xuat-d323891.html