Philippines, khách hàng quan trọng nhất của Việt Nam và là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn có nhu cầu cao về mặt hàng này nhưng lượng nhập khẩu tính đến tháng 11 thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.
Tời BusinessMirror của Philippines cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 11.2023, nhập khẩu gạo của nước này mới đạt hơn 3 triệu tấn, giảm đến 14% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương con số tuyệt đối gần 500.000 tấn.
Ước tính cả năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines chỉ đạt hơn 3,6 triệu tấn, thấp hơn khoảng 5% so với mức 3.826 triệu tấn của năm ngoái. Với lượng gạo nhập khẩu ở mức thấp, hồi cuối tháng 11 vừa qua các quan chức chính phủ Philippines đã ra “tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phải tăng cường nhập gạo nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, nếu không sẽ bị “đưa vào danh sách đen”.
“Nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu giảm là do giá thế giới tăng cao”, Roehlano M. Briones, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines cho biết.
Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo chủ lực vào thị trường Philippines với sản lượng trên 2,6 triệu tấn, tương đương giá trị 1,4 tỉ USD. Đứng thứ 2 là Thái Lan với gần 162.000 tấn và Myanmar 128.000 tấn.
Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước vẫn ở mức cao. Cụ thể, mới đây, Tổng thống Indonesia phải kêu gọi quân đội hỗ trợ người dân trong việc cung cấp nước cho việc trồng lúa. Tình trạng khô hạn đã làm trì hoãn việc trồng trọt ở nước này, sản lượng lúa ước tính trong năm 2024 sẽ giảm hơn 500.000 tấn, xuống còn 30,9 triệu tấn.
Trong khi đó, nguồn cung gạo của Việt Nam tiếp tục hạn chế và phải chờ tới đầu tháng 3.2024 mới vào đợt thu hoạch lúa đông xuân. Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 663 USD/tấn. Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ 5 USD lên 643 USD/tấn.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn, tương đương giá trị 4,4 tỉ USD, tăng tương ứng 16% và 36% so với cùng kỳ năm 2022, ước đến cuối năm 2023 đạt 5 tỉ USD.