Hiện tại, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo cho khách hàng Philippines đang đóng hàng trả hợp đồng cũ, bên cạnh đó, nhu cầu mua mới từ nước này vẫn nhiều vì họ cần mua gạo dự phòng cho mùa mưa bão sắp tới.
Tính đến ngày 23/09/2021, theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuống giống vụ Hè Thu được 1,509 triệu ha, thu hoạch được 1,450 triệu ha với năng suất 5,7 tấn/ha; vụ Thu Đông 2021 xuống giống được 620 ngàn ha/700 ngàn ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 105 ngàn ha với năng suất 5,2 tấn/ha.
Philippines tăng mua gạo Việt Nam
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, kết quả xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 247.420 tấn, trị giá 121,644 triệu USD. Cộng dồn đến cuối kỳ báo cáo xuất khẩu gạo đạt 4,227 triệu tấn, trị giá 2,259 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị.
Từ ngày 01/09 – 23/09/2021, có 14 tàu vào các cảng xếp hàng xuất đi các thị trường Philippines, châu Phi, Malaysia và Cuba với số lượng dự kiến 144.700 tấn gạo các loại, trong đó, 09 tàu cảng tại cảng TP.HCM và 05 tàu cảng Mỹ Thới tỉnh An Giang.
Philippines đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo, chiếm 38% trong tổng lượng và kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 1,54 triệu tấn, tương đương 798,26 triệu USD, giá trung bình 517,2 USD/tấn, giảm 10% về lượng, nhưng tăng nhẹ 0,1% về kim ngạch và tăng 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2, tăng trưởng tốt 36,9% về lượng, tăng 18,7% về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu lại giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 733.862 tấn, tương đương 376,14 triệu USD, giá trung bình 512,6 USD/tấn; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Vua Lúa Gạo cho biết, nhờ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khá tốt nên nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã nới lõng giãn cách xuống Chỉ thị 15. Hiện nay vụ Hè Thu đã qua còn vụ Thu Đông diện tích thu hoạch chưa bao nhiêu nên nguồn cung gạo nguyên liệu ở ĐBSCL không nhiều, và chất lượng gạo cải thiện nên các kho gạo tăng mua. Loại gạo IR 550404 hút hàng, nhu cầu gạo thơm tăng khá.
Hiện tại một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo cho khách hàng Philippines đang đóng hàng trả nợ hợp đồng cũ, bên cạnh đó, nhu cầu mua mới của khách hàng Philippines vẫn nhiều vì họ cần mua gạo dự phòng cho mùa mưa bão sắp tới.
Giá gạo ĐT8 đang giao dịch quanh mức 490-495 USD/tấn. Gạo 5451 loại đóng bao PP 50kg/bao dao động từ 475-480 (FOB) tại TPHCM. Còn tại thị trường miền Bắc giá phụ phẩm cám gạo đang hút hàng và tăng lên từ 200-300 đồng/kg. Nhu cầu gạo phục vụ làm bún, bánh phở, hủ tiếu … đang tốt lên so với thời điểm tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2021.
Nhìn chung thị trường gạo xuất khẩu đang ấm lên và giá lúa gạo trong nước tiếp tục tăng nhẹ, nhà kho thu mua đều các loại gạo, và nhu cầu thu mua tăng mạnh đối với một số mặt hàng như gạo IR 50404, OM 380…
Cước phí vận chuyển tăng mạnh khiến gạo Việt kém cạnh tranh
Đánh giá thị trường gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho rằng, từ nay đến cuối năm thị trường xuất khẩu vẫn có nhu cầu, nhưng lượng gạo xuất khẩu đã bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng từ tháng 8, lý do chính là tình hình dịch bệnh chưa thật sự kiểm soát tốt nên nhiều doanh nghiệp còn đóng cửa.
“Xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam sụt giảm, các hãng tàu quốc tế rút dần các phương tiện vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc hay Thái Lan, khiến các phương tiện vận chuyển tại Việt Nam đi các nước rất thiếu, và giá thành rất cao dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng ngày càng gia tăng.
Chính vì cước tàu quá cao nên khi quyết định mua gạo Việt Nam khách hàng rất đắn đo suy tính, khiến gạo Việt Nam kém cạnh tranh hơn. Như vậy, không phải thị trường xuất khẩu không có nhu cầu mà do phương tiện vận chuyển ảnh hưởng lớn đến năng lực bán hàng của Việt Nam”, ông Có phân tích.
Vị giám đốc này cho biết thêm, gạo Việt Nam đang được chia làm 2 nhóm: Nhóm gạo trắng thường nằm ở mức giá trung bình so với Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan.
Hiện gạo trắng 5% tấm của Việt Nam loại bao bì bình thường đang giao dịch ở mức giá 415 – 420 USD/tấn. Mức giá này khá cao so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Cụ thể, gạo 5% tấm Thái Lan từ 399 – 403 USD/tấn, gạo 5% tấm Ấn Độ từ 368 -372 USD/tấn, đứng giá. Gạo 5% tấm Pakistan 363 – 367 USD/tấn.
Nhóm gạo thơm vẫn còn nằm ở mức khá cao, như dòng gạo Jasmine đang chào giá là 585-590 USD tấn/tấn. Gạo nếp hiện có giá rất thấp khoảng 450-460 USD/tấn.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá chào gạo trắng hạt dài kết thúc tuần ổn định nhờ nhu cầu khu vực châu Á hỗ trợ, chủ yếu là Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, một số khách hàng khác vẫn có khuynh hướng chờ đến thời điểm thu hoạch chính vụ trong quý IV/2021. Giá gạo Thái Lan hiện đang ở mức rất cạnh tranh so với các nguồn cung khác, đặc biệt là khoảng cách với Ấn Độ đã được thu hẹp hơn trong thời gian gần đây.
Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan vẫn kỳ vọng xuất khẩu gạo cả năm 2021 sẽ đạt mốc 6 triệu tấn, cao hơn dự báo của USDA. Năm 2020, xuất khẩu gạo của Thái Lan chỉ dừng ở mức 5,72 triệu tấn và theo dự báo mới nhất của USDA, con số này sẽ tiếp tục giảm về mức 5,6 triệu tấn trong năm 2021 do giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao. Hiện nay, chênh lệch chi phí vận chuyển giữa hàng tàu và hàng container khá lớn.
(Nguồn Nguyễn Huyền, Theo BizLIVE)