Theo dự báo, vụ đông xuân 2021 – 2022, khu vực Nam Bộ khả năng chịu nhiều ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Để bảo đảm sản xuất trong vụ đông xuân đạt hiệu quả, các địa phương cần khuyến cáo nông dân gieo sạ trong khung thời vụ tốt nhất; tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2015 – 2016.
Vụ đông xuân 2021 – 2022, các địa phương ở Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ gần 1,6 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 71,89 tạ/ha, sản lượng 11.500 tấn, tăng 50,42 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2020 – 2021.
Khả năng hạn, mặn xảy ra ở nhiều địa phương
Vụ đông xuân 2021 – 2022, tỉnh Tiền Giang dự kiến xuống giống hơn 49.000 ha lúa, phấn đấu năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, sản lượng gần 345.500 tấn. Trong đó, các địa phương như: Cái Bè, thị xã Cai Lậy, một phần huyện Châu Thành và Tân Phước dự kiến tập trung xuống giống từ ngày 10 đến 20/11; vùng ngọt hóa Gò Công thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công tập trung xuống giống từ ngày 1 đến 10/11.
Do khuyến cáo của cơ quan chức năng nên vụ đông xuân năm nay, nông dân Phan Đức Thắng, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) với 2 ha đất trồng lúa đã chủ động cắt giảm để không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Hiện nay, gia đình ông Thắng đang tập trung vệ sinh đồng ruộng những nơi gieo sạ được để chờ ngày xuống giống. Cũng thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng vừa thu hoạch xong 0,7 ha lúa. Gia đình ông đã chuẩn bị nguồn giống cho vụ mùa tiếp theo nhằm tránh nguồn khan hiếm, giá cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để ứng phó hạn, mặn, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt để gieo sạ. Đồng thời vận động nhân dân sạ thưa, sạ hàng với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy để xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ nhằm né hạn, mặn, rầy, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… Ngoài ra, tỉnh tập trung thi công sáu cống ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở huyện Cai Lậy và Châu Thành.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, vụ đông xuân 2021 – 2022, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ khoảng 920.000 ha, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng. Theo dự báo, nếu tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra như vụ đông xuân 2015 – 2016 sẽ có khoảng 55 nghìn ha, chiếm 6% diện tích canh tác lúa ở những địa phương này bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, đối với khu vực phù sa ngọt ven sông nếu xâm nhập sớm, sâu và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu ở các địa phương: Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn, mặn cục bộ cho lúa và vùng cây ăn quả.
Tận dụng nguồn nước cho sản xuất
Theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, để bảo đảm đủ nước sản xuất lúa trong vụ đông xuân, các địa phương cần kiểm kê nguồn nước để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tăng cường việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân, nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần bố trí thời vụ sản xuất lúa bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi. Cần chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn, mặn, nhất là các tỉnh ven biển để bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất, hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Như Cường cũng lưu ý, việc xuống giống lúa đông xuân 2021 – 2022 trong tháng 10/2021 nên thời gian thu hoạch vào tháng 1/2022 (khoảng giữa tháng 12 âm lịch). Đây là thời điểm hoạt động thu mua lúa có giới hạn, trong khi ước tính có khoảng hai triệu tấn lúa, tương đương một triệu tấn gạo cần được tiêu thụ. Vì vậy, các địa phương chủ động thống kê diện tích xuống giống, ước thời gian thu hoạch để Cục Trồng trọt tổng hợp và thông tin đến Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch tiêu thụ lúa gạo tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất trong vụ đông xuân, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan triển khai giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi tại các vùng nếu xảy ra giãn cách xã hội để hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, nâng giá trục lợi.
(Nguồn Hoàng Hùng và Nguyễn Sự, Theo Nhandan.vn)